LUẬN BÀN VỀ TÂM HỒN

 

LUẬN BÀN VỀ TÂM HỒN

Đạo trưởng Huệ Lương - Trần Văn Quế (đứng giữa) về thăm
Tỉnh đạo Quảng Nam
 Trần Văn Quế

I. Ý nghĩa chữ Tâm.

1) Tự cổ chí kim, các y gia Âu Á đều gọi Tâm là một trong ngũ tạng ở trong thân người. Tiếng nôm, Tâm là trái tim hay là quả tim (le coeur). Theo khoa giải phẩu ngày nay, trái tim là cơ quan chủ động của bộ máy vận chuyển huyết mạch con người.

2) Theo Phật Giáo, trái tim cũng được gọi là Tâm, nhưng cho đó là: “Tâm nhục đoàn” nghĩa là: “Tâm cục thịt”, nhà Phật lại còn phân biệt trong con người, thuộc về đời sống, tâm linh ba thứ tâm:

a) Tâm duyên lự: Chủ động của lục dục là sắc (màu sắc, đẹp), thinh (tiếng nói, tiếng kêu, âm thanh), hương (mùi thơm hoặc thúi), vị (mùi nếm ngon, hoặc dở), xúc (sự cảm xúc do bì phu, để rờ mà biết đặng hình dáng bề ngoài của các vật hữu hình), pháp (ý tưởng, ý muốn). Sắc thì do con mắt mà thấy được. Thinh: Thì do lỗ tai mà nghe được, Hương: Thì do lỗ mũi mà ngửi được. Vị: Thì nhờ cái lưỡi mà nếm biết. Xúc: Thì nhờ lớp da bao bọc thân thể mà biết được. Pháp: Thì nhờ thần trí linh minh mà biết được. Trong lục dục, năm loại: sắc, thinh, hương, vị, xúc là hoàn toàn hữu hình. Duy có pháp (ý tưởng, ý muốn) là tế nhị hơn hết, không do ngũ giác quan mà rờ đặng, thấy đặng, nhưng cùng thuộc về loại hữu hình là vì đối với người tu hành có thần nhãn thì tư tưởng có hình rõ rệt trong cảnh hư linh, mà ngũ giác quan là nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân không nhận định được.

Riêng về cái ý hay là Pháp là dục thứ sáu thì một mình nó cảm ứng với ngoại giới mà sanh ra bảy tình là: Hỷ (mừng), Nộ (giận), Bi (thương xót), Lạc (vui mừng), Ái (thương yêu tình ái), Ố (ghét), Dục (tham muốn). Như vậy bảy tình của con người cũng ở trong phạm vi tâm duyên lự mà người ta cũng gọi là: lòng dạ.

b) Tâm tập khởi: Tức là nơi chất chứa các ý nghĩ những việc làm đã qua để rồi có dịp lại xuất hiện nhiều lần nữa. Trong trường hợp này, các ý nghĩ ấy gọi là tiềm thức (le subconscient) và sự phô diễn các ý nghĩ ấy ra bên ngoài gọi là “tập quán” (habitudes) hay là thói quen.

c) Chơn tâm: Chính là “Bổn tâm”, là “Bổn giác”, là “Linh trí”, là Chơn như bổn tánh, là Phật tánh, là Đạo tâm.

 Theo nhà Phật, Tâm nhục đoàn hay là “trái tim” thì cùng với thể xác mà hư hoại cả, lý do chánh đáng là Tâm duyên lự và Tâm tập khởi đều qui về cái ta hay là bản ngã mà cái ta sở dĩ có, là bởi sự quan niệm sai lầm của mỗi cá nhân. Nhận thấy xác thịt của mình riêng biệt với xác thịt của kẻ khác, cá nhân tưởng đâu phần thiêng liêng của mình cũng thế. Vì thế mà có sự phân biệt cái ta với cái người (bản ngã của kẻ khác).

Xét cho kỹ thì chơn như bổn tánh hay là điểm linh quang của trời ban là đồng chất với Trời. Trời đây gọi là Lý, là linh hồn chung của muôn loài. Như mọi chúng ta đã biết, Trời là vĩnh viễn trường tồn, bất tiêu bất diệt. Như vậy, chơn như bổn tánh hay là Phật tánh cùng với Trời mà bất diệt. Chơn như bổn tánh dù ở trong một sinh vật nào cũng là “bình đẳng như như”, nghĩa là cùng chỉ một chất mà thôi. Trời là lý vô vi “tuyệt diệu, tuyệt huyền” có thể tỷ như một ngọn đèn lớn; chơn như bổn tánh ở bất cứ một sinh vật nào, tỷ như một ngọn đèn con nhờ ngọn đèn lớn kia truyền lửa sáng qua cho muôn ức đèn con đều có lửa sáng như thế cả. Và các đám lửa sáng ấy đều cùng một chất, cùng tuyệt diệu, tuyệt huyền như Trời, chí thanh chí tịnh như Trời. Bởi thế mới có câu:

“Nhứt thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” (Bất cứ một sinh vật nào cũng đều có Phật tánh).

II. Hồn là gì ?

Người thường không hiểu đạo một cách sâu xa gọi chung Hồn (âm) là phần thuộc về đời sống tâm linh của con người và tin rằng hồn là bất diệt.

Theo nhà Phật thì có linh hồn hay là chơn như bổn tánh (esprit) mới là bất diệt. Cái mà thế gian gọi là hồn thì nhà Phật không thể nhìn nhận nó là bất diệt được, vì lẽ nó gồm có thú hồn hay là thảo mộc hồn (âme végétative) phát hiện ra ngoài bằng những bản năng có bổn phận bảo vệ sự sống như đói ăn, khát uống, hô hấp huyết mạch, vận năng sinh sản. Tâm tập khởi gồm những tiềm thức chủ trương các tập quán, và tâm duyên lự gồm cả lục dục và thất tình. Thú hồn, Tâm duyên lự (Nho gia gọi là thức), tâm tập khởi đều do cái Ta mà phát sinh. Mà cái ta hay là Ngã Chấp (hoặc Bản ngã) thì sẽ cùng với cái xác thịt mà tiêu ma. Nói tóm lại cái mà thế gian gọi chung là hồn thì gồm có thú hồn hay là hạ đẳng hồn; thức thần (tâm duyên lự và tâm tập khởi) hay là trung đẳng hồn và linh hồn hay là chơn như bổn tánh hoặc là Phật tánh đồng chất với Trời.

Hạ đẳng hồn hay là thú hồn và trung đẳng hồn hay là thức thần đều phải tiêu ma với cái ta, cùng với xác thân con người. Chỉ có linh hồn hay là Phật tánh hoặc chơn như bổn tánh, ngươn thần hay là điểm linh quang của trời ban mới là bất diệt.

III. Tam đẳng hồn làm cho cá nhân tiến hóa hoặc thoái hóa

Muốn cụ thể hóa lời dẫn giải đoạn này, xin mượn thí dụ sau đây: Cá nhân tỷ như cái xe bánh tròn, linh hồn là con ngựa bạch cố gắng kéo cái xe ấy lên đến chót núi. Trái lại, thú hồn là con ngựa ô và thức thần là con ngựa hồng cùng hiệp sức lôi cái xe chạy xuống dốc cho đến đáy hang sâu mới thôi. Nếu con ngựa trắng mà thắng thì cái xe ngày một lên cao đến đỉnh. Ấy là trường hợp cá nhân tiến hóa cho đến mực chí thiện chí mỹ để đạt phẩm vị tiên phật. Trái lại, nếu hai con ngựa hồng và ngựa ô mà thắng thì cổ xe sẽ tuột xuống hố sâu. Ấy là trường hợp của một cá nhân bị thoái hóa vậy.

Nói một cách khác, ở trong con người lúc nào cũng có sự tranh chấp giữa tam đẳng hồn. Hạ đẳng hồn và trung đẳng hồn luôn luôn viện lẽ bảo thủ cái ta, cái xác thịt, mà chống lại thượng đẳng hồn đại diện cho chơn lý tuyệt đối, cho luật công bình thiêng liêng. Thượng đẳng hồn mà thắng hạ đẳng và trung đẳng hồn thì đưa cá nhân đến mức tận thiện tận mỹ, “lục dục biến thành lục thông” là vậy. Trái lại, hạ đẳng và trung đẳng hồn mà thắng, thì cá nhân phải bị lôi kéo vào tội lỗi cho đến mức chót mới thôi.

Thượng đẳng hồn cũng gọi là lương tâm (la conscience morale) chỉ hiện ra trong những trường hợp đặc biệt, như lúc con người hấp hối sắp lìa trần. Trong trường hợp này, xác thịt sắp bị hư hoại, cái ta vì thế mà không còn mãnh liệt như trước và hạ đẳng cùng trung đẳng hồn bị cái ta chi phối cũng vì đó mà suy nhược, không còn ngăn cản thượng đẳng hồn nữa. Nhờ vậy thượng đẳng hồn mới hiện ra toàn vẹn. Vì nó là chí thanh chí tịnh, gần nó thì những chí ô trược, tội lỗi đều phải hiện nguyên hình và không còn dấu diếm được. Vì vậy cho nên con người trong giờ phút cuối cùng thường có giọng nói thảm thương và tỏ vẻ rất ăn năn, hối hận những việc sai quấy đã làm. “Ngoài trường hợp đặc biệt ấy, thượng đẳng hồn hay là lương tâm thỉnh thoảng lại hiện ra cho những người có trình độ khá cao về đời sống tâm linh, mỗi khi các vị ấy đã phạm một tội lỗi gì triệu chứng của sự phán đoán vô tư của lương tâm là trong trường hợp ấy, con người nghe như trong tâm mình có một tiếng nói luôn luôn khiển trách mình, lên án mình một cách vô tư, nghiêm khắc khiến cho con người đau đớn nhức nhối về tinh thần như bị cắn rứt vậy. Bởi thế mới có câu: “Người bị lương tâm cắn rứt”. Tòa án đời lên án, con người còn phương trốn tránh, chớ khi tòa lương tâm lên án thì con người chỉ còn biết ăn năn hối hận tội lỗi mà thôi.

IV. Sự lầm lộn tâm và hồn

Từ xưa đến nay, từ Âu qua Á trong giới y học, người ta thường gọi “ trái tim” là (Tâm). Phật gia gọi là Tâm nhục đoàn. Trong thời kỳ mà khoa giải phẩu không tiến bộ mấy, người ta cho trái tim là chủ xướng của thất tình vì lẽ: mỗi khi người ta mừng thì trái tim nở ra, mỗi khi người ta buồn thì trái tim se lại, mỗi khi người ta giận thì trái tim uất lên như tắt nghẹt v.v... Vì vậy mà người ta gọi trái tim hay là tâm là lòng, như nói: lòng tốt, lòng lo, lòng giận, lòng buồn v.v... Bên Âu tây cũng thế. Người ta nói: “Avoir bon coeur” nghĩa là: có lòng tốt. Trong tuồng LeCid của đại văn hào Corneille về thế kỷ thứ 17, hầu tước Don Diegue. sau khi bị hầu tước Don de Gormas đánh cho một tát tai, ông rất tức giận về nhà nghĩ kế báo thù, bèn kêu con là Don Rodrigue mà hỏi: “Rodrigue, as-tu du coeur? Rodrigue con có lòng can đảm không”. Bên Âu tây, tiếng coeur dịch ra tiếng ta là: trái tim, ám chỉ: cái lòng, cái dạ, cái bụng.

Rồi từ chỗ lấy trái tim mà gọi là lòng, là dạ đến chỗ lấy trái tim làm trụ sở cho “hồn” thì không bao xa. Bởi thế, ta thường nghe người ta nói hai chữ tâm hồn liền nhau. Nếu chữ tâm đây có nghĩa là trái tim, thì thật là một sự sai lầm rất lớn. Nếu chữ tâm có ý nghĩa là tâm duyên lý và tâm tập khởi thì là đúng và như trên đã nói, tâm tức là hồn theo ý nghĩa thông thường của nó. Nhưng, xét vì số người hiểu triết lý nhà Phật rất ít thì chưa chắc đã vậy. Khi nói: Tâm hồn, người ta đã nghĩ ngay đến tâm duyên lự và tâm tập khởi mà Phật đã nói.

Sự sai lầm ấy ngày nay đã phá tan, là vì khoa giải phẩu hiện giờ cho biết, sở dĩ khi ta mừng thì tim ta nở ra, khi ta buồn thì tim ta se lại; khi ta giận thì tim ta uất lên v.v… là vì chung quanh trái tim có nhiều loại dây thần kinh, có bổn phận thọ mạng lịnh của khối óc, hoặc giãn ra, hoặc co lại, khiến cho trái tim nở ra, se lại hoặc uất lên v. v... khi ta mừng, buồn hay giận v,v… và chính bộ óc mới là nơi phát lệnh. Nhưng nơi ấy ở đâu ?

Có giả thuyết cho rằng: nơi ấy ở phía dưới trán, giữa đôi lông mày, nhưng ở bên trong cái xương trán. Bằng chứng là khi ta trụ thần để suy nghĩ một việc gì, thì ta hay cau đôi lông mày. Lại khi ta nằm suy nghĩ điều gì thì ta hay gạt tay lên trán.

V. Phương pháp trau sửa cái tâm

Xem qua triết lý của tam giáo: Nho Thích Đạo thì ta thấy tam giáo đều chú trọng đến sự trau luyện cái tâm.

Nho giáo nói: Tồn tâm dưỡng tánh.

Lão giáo: Tu tâm luyện tánh.

Thích giáo nói: Minh tâm kiến tánh.

Nhưng cái Tâm nói đây là loại nào?

Theo thiển kiến của chúng tôi, Tâm nói đây là: Tâm duyên lự, nó là nguồn gốc của lục dục và thất tình. Nó quan hệ nhứt. Vì nó mà con người làm biết bao tội lỗi nặng nề đến đỗi thoái hóa.

Vậy muốn trau dồi tâm duyên lự thì phải làm thế nào? Có hai trường hợp.

Trường hợp nhất: Xét vì người còn ở thế, còn tiếp xúc với người đồng loại thì thất tình lục dục không thể không có được. Nhưng nguồn gốc của thất tình lục dục là cái ta thì phải trừ dần cái ta đi, nghĩa là phải hướng thất tình lục dục dần dần về chỗ vong kỷ vị tha; chúng ta mừng, vui, giận, thương, ghét, muốn v.v... là vì kẻ khác, chứ không vì chúng ta, như vậy, thất tình mà ta sẽ phát phải chỗ, đúng thời tiết và không quá độ, đến nỗi hại thân. Đó là phép luyện tâm của hàng thánh triết.

 b) Trường hợp thứ nhì: Trường hợp này dành riêng cho hàng xuất thế tu đạo theo giáo điều của Phật. Trong trường hợp này, người tu phải gột rửa lục dục cho hết tính phàm để nó trở thành lục thông, và hòa nhập với phần hư linh của vũ trụ. Đồng thời, cần phải diệt thất tình nghĩa là phải kềm khép cái ý không cho nó phóng túng, và giúp chơn như bổn tánh có đủ điều kiện để hiện ra. Muốn vậy thì tâm ta lúc nào cũng thanh tịnh, và ta cần xét mình trong những lúc thanh vắng yên tĩnh để tự quan sát và phê bình những hành động của ta. Ta phải nhận định những ý trí hành động nào thuộc hạ đẳng hồn và trung đẳng hồn mà đề phòng hoặc gạt bỏ và chỉ để lại những ý trí của thượng đẳng hồn mà thôi.

VI. Tổng Luận

Tu hành cốt ở sự trau sửa cái tâm. Nếu tâm không sửa mà người làm việc nầy việc nọ để che đậy cái chưa toàn thiện ở ta về bên ngoài là bỏ gốc mà theo ngọn vậy. Bài kệ sau đây chứng tỏ sự quan hệ của cái tâm. Thành ma thành quỷ cũng do Tâm mà nên Tiên nên Phật cũng nhờ Tâm.

Kệ rằng:

                        Tam điểm như tinh tượng.

                        Hoành câu tợ nguyệt tà.

                        Phi mao tùng thử đắc.

                        Tác phật dữ do tha.

Dịch:

                        Ba chấm như sao trên trời.

                        Cái lưỡi liềm giống như mặt trăng mới mọc (trăng mồng ba).

                        Mang lông đội sừng do đó mà đặng

                        Làm Phật làm tiên cũng tại nơi đó vậy.



(Bài đã đăng trong báo Nhân Sinh số 2-3 ra ngày 15.11.1954)

0 Bình luận