NGHĨA CHỮ “TU” ĐỐI VỚI NGƯỜI CHÂN TU

 

NGHĨA CHỮ “TU” ĐỐI VỚI NGƯỜI CHÂN TU

 PHI BẰNG

Một đôi lầm lạc

Đến nay người ta đã đánh lạc tinh thần chữ tu nhiều rồi, nên sở dĩ có vài lời sau không ngoài dụng ý chỉnh định lại đường lối cho sự tu học.

Trước hết chúng ta hãy tìm giải câu hỏi “tu là thế nào”.

Nhiều người bảo: “Ăn chay nhiều, lạy Phật tụng kinh giỏi với năng đi chùa mới gọi là biết tu”. Nếu ý nghĩa chữ tu chỉ có thế thì thôi chúng ta nên nguyện làm người phàm tục để đừng nhắc đến chữ tu nữa.

Không! Nghĩa chữ tu đâu có hẹp hòi như thế. Nôm na mà nói, chữ tu có nghĩa đơn giản là sửa mình để trở nên những con người tốt trong xã hội.

Nếu chúng ta chỉ chú trọng nơi việc ăn chay cho chuyên, lạy Phật cho đều, mà không đếm xỉa gì đến vấn đề cốt yếu nói trên, thì có khác nào chúng ta vin ngọn bỏ gốc, chuộng vỏ bỏ ruột. Đành rằng “ăn chay niệm phật” đối với nhiều người vẫn còn là một phương tiện cần ích trong một phạm vi nào. Nhưng ăn chay để mà ăn chay suông, và niệm Phật để mà niệm Phật suông thì chẳng có gì gọi là bổ ích cho vấn đề tu tiến cả.

Ở đây, có lắm người ăn chay trường kể vào hạng khá lắm, nhưng mở miệng thì nói chuyện giết người, và cũng có lắm người tụng kinh buổi tối để rồi chửi nhau buổi sáng.

Chúng ta hãy nghĩ thế nào về các hạng người ấy. Nói ăn chay thì họ ăn chay thật đấy, nói tụng kinh lạy phật thì họ tụng kinh lạy phật thật đấy. Nhưng bảo họ là những người có “tu” thì không còn danh từ nào mỉa mai hơn. Chính họ mới là những kẻ đã bôi nhọ tôn giáo hơn ai hết, phá chùa hơn ai hết.

Và đây lại có những người không ở trong một tôn giáo nào cả, ăn chay lạy Phật họ đều dốt, nhưng lòng họ bao giờ cũng hướng về một lẻ phải tuyệt đối. Họ cân nhắc từng cử chỉ, từng lời nói, họ dồi mài từng đức tính một để cố trở nên một con người chân thành rất mực, khiêm tốn rất mực, có tinh thần phục vụ xã hội rất mực, thì chúng ta có dám bảo rằng họ không biết nghĩa tu ư? Đem những người không tôn giáo này so với những người có tôn giáo kia, chúng ta có tránh khỏi qua một vài phút nghỉ ngợi không?

 Lại cũng có người bảo: “Cứ nhiệt thành tin theo Đạo, cũng gọi là tu đấy”. À đây còn là một rắc rối nữa, rắc rối trong sự đánh lẫn chữ “tu” với chữ “tin”.

Đành rằng ở đâu, đức tin cũng vẫn là một cần thiết không thể thiếu được. Đối với người tín đồ của bất kỳ một tôn giáo nào, nó lại càng có giá trị tuyệt đối và thiêng liêng nữa, vì chính nó mới là động cơ thúc đẩy cho mọi hành động vị tha của con người. Nhưng tin để mà tin suông thì nó chẳng đem lại bổ ích gì cho sự tu tiến cả. Còn nói chi đến sự tin một cách mù quáng hay tin quá dễ dàng không cần qua một nhận xét, một suy biện nào. Những đức tin thiếu hướng dẫn ấy làm tai hại cho vấn đề tu tiến rất nhiều. Như tin theo sấm ngữ để nơm nớp sợ Trời hoặc tin sắp đến ngày tận thế để lo ăn hơn lo làm, những cái lối tin vu vơ như thế chỉ đáng làm trò cười cho đời thôi. Hơn nữa, chung quanh chữ tin người ta đã bịa ra biết bao nhiêu là câu chuyện huyền hoặc, có khi hoang đường nữa, nó giúp thêm vào sự sai lạc tinh thần chữ tu không ít. Xét ra, có lẽ người ta đã quá vì tôn giáo hơn là vì con người để mới có những ngộ nhận như thế.

Đến đây, chúng ta cần phải nhận lại rằng: “đức tin” chỉ mới là đầu mối của bước đường tu tiến mà không thể đem đức tin suông để gọi là tu được. Đức tin: đây chỉ nói đức tin sáng suốt, hợp với lẽ phải, dù sao cũng còn nằm trong phạm vi ý thức, còn chính sự “tu tập” mới đi vào lĩnh vực của hành động.

 Bất kỳ ở địa hạt nào, chỉ có hành động mới là đáng kể. Có phân biệt rạch ròi hai chữ tin và tu, chúng ta mới lãnh hội được phần nào ý nghĩa của chữ “tu” đương nói.

Trở lên, chúng ta đã thấy rõ đôi quan niệm lầm lạc về chữ tu mà nhiều người đã mắc phải. Trong chúng ta không phải là không có người biết đến, nhưng hoặc vì tinh thần cầu an, hoặc vì sợ thương tổn lây đến tinh thần tín ngưỡng mà cứ để vậy cho sự lầm lạc kia được bền chặt và sinh sôi nảy nở mãi ra. Chúng ta cho đó là không hại ư? Không, nó gây độc hại hết sức. Chính những sai lầm ấy đã đưa bao nhiêu tín đồ đến chỗ xa thực tế, sống riêng biệt với xã hội thực tế bên ngoài, rồi vì thế mà giữa tôn giáo và người đời, một bức tường thành kiên cố được dựng lên. Đó là một điều mà chúng ta không thể coi thường được.

Tu là thế nào

Bây giờ chúng ta hãy trở lại với câu hỏi lúc đầu: “Tu là thế nào”.

Nói thật ra nghĩa chữ tu nó rẻ quá. Nào nó có mắc mỏ gì để bắt chúng ta phải nhọc công tìm một định nghĩa cho cam, ấy thế mà chúng ta đã phải tốn bao nhiêu giấy mực, lặn lội qua bao nhiêu sách vở để tìm về với nghĩa chính của chữ. Nghĩ cũng oái ăm thật!

Để mở rộng thêm lời giải đã có ở trên, chúng ta cần tìm hiểu nghĩa chữ “tu” trên hai phương diện.

Theo nghĩa thông thường của chữ thì tu là dùng “tự lực” khuôn nén con người mình trong phạm vi lẽ phải, cố gắng luôn luôn để sửa mình thành con người có đủ đức tính cần thiết để sống vì mình cả vì xã hội.

Theo nghĩa tôn giáo, chữ tu còn có thêm một nghĩa nữa là điều hòa lẽ thật với lẽ phải để tiến lên làm con người toàn đức trong vũ trụ.

Có hiểu như vậy, chúng ta mới thấy rằng: Con người chân tu của tôn giáo không phải là con người phản khoa học đâu, mà là con người chấp nhận có khoa học hơn ai hết.

Người chân tu cũng không phải là con người của lý thuyết suông, mà là con người của cả thực hành nữa, vì chữ “tu và hành” trên quan điểm tu tiến không được phép đứng riêng nhau. Người chân tu biết tương đối cái tương đối và tuyệt đối cái tuyệt đối. Họ không thể bỏ qua một cơ hội nào để phát dương tinh thần lẽ phải và cũng không từ chối đón nhận một chút tia sáng của lẽ phải, bất kỳ ở đâu tới.

Nói tóm lại, nghĩa chữ tu đối với người chân tu trong tôn giáo có một nghĩa bao hàm tất cả những ý nghĩa sống của con người trên cõi đời.

 Chúng ta phải bình tâm nhìn nhận tất cả những lầm lạc đã có để mới có thể qui định lại tinh thần chữ tu trong ít nhiều, chúng ta không thể quên được “sự có mặt của chúng ta trên cõi đời là một thực tại hiển nhiên, thì bổn phận của chúng ta đối với bản thân, đối với xã hội, đối với vũ trụ, cũng là một tất nhiên không thể chối cãi”. Muốn cho bổn phận làm người ấy được hoàn hảo trên mọi phương diện thì vấn đề tu học phải đề cập tới trước tiên. Mà đã nói đến tu học, tất phải nói đến “tự lực thực hành” với một tinh thần cầu tiến không ngừng.

Mỗi chúng ta phải làm cho sáng nghĩa chữ tu qua sự thực hành, ấy là đã góp phần trong việc xây dựng Đạo rồi đấy.

PHI BẰNG


(Bài đăng trong Nguyệt san Nhân Sinh số 2,3 ra ngày 15/11/1954)


                                                          (Hình minh họa copy trên internet)

0 Bình luận