NHÌN LẠI MỘT CHẶNG ĐƯỜNG
Phan Lương Minh
(Trích trong Đạo mạch lưu thông - Hội Thánh Truyền Giáo cao Đài)
Những năm gần đây, những ai có dịp dự lễ khánh thành Thánh thất Trung Minh, Từ Vân, hay lễ Kim khánh của Hội Thánh Truyền Giáo…, thấy được khả năng tổ chức của cấp lãnh đạo, tính sốt sắng, tính chịu đựng và tinh thần kỷ luật của các thành viên Hội Thánh Truyền Giáo. Chứng kiến được sức sống mãnh liệt của đạo miền Trung có thể nhiều người sẽ không ngờ được rằng một cơ đạo như thế lại được sinh ra trong hoàn cảnh khắc nghiệt.
Năm 1927, đạo vừa mở tại nam và bắc Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên, Tam Quan. Năm sau, thông tư của Cơ Mật Viện ngày mùng 4 tháng 1 năm Mậu Thìn, nhằm ngày 26-01-1928 cấm đạo Cao Đài “chớ cho truyền bá lưu hành trong hạt Trung Kỳ; hễ không tuân thời chiếu luật nghĩ trị”. Thông tri số 40 ngày 25-1 năm Kỷ Tỵ: Cấm theo đạo Cao Đài và truyền đạo Cao Đài hay “Phật Giáo chấn hưng” ở Trung Kỳ. Thông tư số 1104 ngày 19-06-1935 nhắc nhở: “việc theo đạo Cao Đài và truyền Đạo Cao Đài hay Phật Giáo chấn hưng vẫn còn bị cấm ở Trung kỳ, chiếu theo các quy định vẫn còn hiệu lực của thông tri số 40 ngày 25 tháng giêng năm Bảo Đại thứ tư và những người vi phạm các quy định đó sẽ bị truy tố”.
Với đầy đủ luật lệ và quyền hành trong tay, các quan lại lưỡng triều ở trung Kỳ đã nhanh chóng ngăn chặn mọi hoạt động của đạo Cao Đài tại đây. Do đó, tám năm sau ngày khai tịch đạo, Ơn Trên dạy: “…Vẫn biết việc về Trung là khó, các con phải khó hơn hết, mà không sao đâu con, chi chi cũng có Thầy, nếu Thầy sai một đứa nào đó có tên tuổi thì e không khỏi có điều trắc trở…” (Đàn cơ tại Thánh tịnh Đại Thanh ngày 24-07 ĐĐ 09 (Giáp Tuất) nhằm ngày 02-09-1934 Đức Thượng Đế dạy chư vị Trần Công Ban và Tứ Linh đồng tử khá kíp về Trung đặng hoát khai Chơn Đạo).
Thực tế đã đúng như vậy, các vị tiền khai ra Trung hành đạo, đều bị ngăn đón ngay: năm 1929, ngài Vương Quan Kỳ ra Tam Quan, vừa đến đã bị xét hỏi đành trở về Nam liền.
Trước đó ba năm, ngay trong ngày Khai Minh Đại Đạo, đàn cơ tại Tây Ninh dạy: “Thầy cần dùng ba chục đứa tình nguyện để phổ cáo xứ xa ai đâu?
Lấy tên con Tương.
Trung Kỳ, Bắc Kỳ”.
Việc này có gì uẩn tàng hay chăng, mà mãi đến năm 1929 mới có ngài Nguyễn Ngọc Thơ đi đến Huế, nhưng rồi cũng bị buộc phải trở về. Ba năm sau, giáo sư Thái Gấm Thanh từ Tây Ninh ra truyền đạo tại Quảng Nam, cũng bị bắt và trục xuất về Nam.
Dù khó khăn dẫy đầy, cơ đạo miền Trung cứ lan tỏa dần. Đến cuối năm 1936 có đến 20.000 bức Thiên Nhãn được gởi ra Trung. Tuy âm thầm nhưng cũng có những sự kiện quan trọng đáng ghi nhớ:
1. Ngày rằm tháng 7 năm Bính Tý, 50 vị đạo tâm nhập môn tại Thánh thất Cầu Kho trở về từng địa phương, đồng loạt cử hành lễ thượng thánh tượng Thiên Nhãn với đầy đủ đạo phục, lễ nghi trước sự chứng kiến của hương chức địa phương được mời.
2. Ngày rằm tháng 2 năm Mậu Dần đại lễ Cao Đài Đại Đạo Hoằng Khai được cử hành tại Tam Quan, ước chừng có 3000 người tham dự, với lời tuyên bố của ngài Phan Trường Mạnh: “Kể từ ngày nay, Cao Đài Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ được hoằng khai tại xứ Trung Kỳ”.
3. Hội Long Vân Đệ Bát kỳ nhân lễ khánh thành Thánh thất Trung Thành (Đà Nẵng) vào tháng 4 năm Mậu Dần 1938. Đây là sự kiện nổi bậc nhất. Lần đầu tiên có một cuộc tiếp rước vô cùng trọng thể của đạo Cao Đài, diễn ra công khai giữa lòng một thị xã lớn nhất Trung Kỳ. Dân chúng đứng nghẹt hai bên đường, đầy ngạc nhiên khi thấy một đoàn người đạo nối nhau trắng cả con đường dài hai cây số từ ga xe lửa đến Thánh thất, dẫn đầu là ông Nguyễn Phan Long cầm cờ Liên Hòa Tổng Hội. Rồi đến rất đông quan chức Pháp Nam Trung Việt và thị xã Đà Nẵng tham dự lễ lại càng ngạc nhiên hơn nữa bởi những gì họ mới được biết về đạo Cao Đài qua bài thuyết pháp vô cùng hấp dẫn do biệt tài văn chương lỗi lạc của nhà báo kỳ cựu Nguyễn Phan Long.
Nêu lên những sự kiện quan trọng trên, chúng ta cũng không quên tưởng nhớ đến những công khó nhọc, những hy sinh mất mát của người đạo đã can đảm vượt qua mọi trở ngại khó khăn, để đem đạo Trời về tới những mảnh đất xa xôi miền Trung. Có những vị tiền khai, tiền bối đã đi vào lịch sử, nhưng cũng có những vị mà lịch sử đạo chưa có lần nhắc đến phương danh. Công ơn của tất cả chư vị chúng ta ngày nay đều mang nặng. Học hỏi gương hy sinh của chư vị, chúng ta cũng nên tìm hiểu do đâu chư vị nhiệt thành với Đạo, do đâu người đạo tin tưởng mãnh liệt để cơ đạo miền Trung vững mạnh cho đến ngày nay?
Vào thời mở đạo, để cho con cái của Người sớm giác ngộ, Đức Thượng Đế có nhiều phương tiện: sự huyền diệu của cơ bút, cùng những phép nhiệm mầu đã đưa những nguyên nhơn trở về cửa đạo. Có những trường hợp giấu tờ khải đâu đó để thử cơ bút, khi được cơ giáng trả lời đúng việc đặt ra thì một lòng tin tưởng trọn vẹn. Nhưng phần lớn là những nguyên nhơn đã có căn lành, đọc qua thánh ngôn thánh giáo thấy được thấy được ánh sáng đạo Trời mà trở nên người đạo Cao Đài trung kiên. Ngoài ra, vào thời ấy Đức Thượng Đế trong tay có những hàng hướng đạo sáng giá: vị ngoài đời thì học thức, uyên bác các kiến thức đông tây; các bậc trước kia trong các tôn giáo thì đạo cao đức trọng, uyên thâm hán học, lão thông các kinh điển Phật giáo, Lão giáo và Khổng Giáo.
Trong khi đó tình hình Phật Giáo, tôn giáo lớn nhất nước vào những năm 20 của thế kỷ trước, đang suy yếu:
“Nguyên lai Phật Giáo là một đạo rất cổ, đã được nhiều nước trên toàn cầu nhận cho là giáo lý rất uyên bác cao siêu, mà ở trong xứ Nam kỳ thời xem ra nên Phật Giáo càng ngày càng suy đồi kém sút. Số tín đồ thì tiêu mòn lần lần, nhất là mấy năm gần đây, quang cảnh chùa chiền vắng tanh lạnh ngắt; những ngày lễ bái ít thấy người vãng lai, thật là tiêu điều thảm đạm”. Trích diễn văn của ông Trần Nguyên Chấn khai mạc lễ Khánh thành ngôi Pháp Bảo Phương, Duyệt Kinh Thất và ngôi Thích Học Đường lập tại chùa Linh Sơn 149 Douaumont (nay là đường Cô Giang) Sài Gòn, vào các ngày 20, 21 và 22 tháng 11 năm Kỷ Tỵ (nhằm ngày 20, 21 và 22-12-1929).
Cho nên khi đạo Cao Đài ra đời lúc đó được xem như thế cho đạo Phật, hoặc là Phật giáo chấn hưng. Ngài Võ Văn Thơm trong thư phúc đáp cho Thống Đốc Nam Kỳ đề ngày 13-09-1927, đã giải thích đạo Cao Đài “không khác chi đạo Thích lấy cơ bút mà khuyên dạy. Vã lại việc sai Thần thỉnh Tiên thì tự xưa nay bên An Nam và bên Tàu cũng đã có, phải dùng đây là vì chẳng có tăng sư nào, có học thức xứng đáng, đặng lập ra một mối đạo hạp ý theo tâm tánh của người bổn quốc” (bản dịch của Hội Giáo Cao Đài Thượng Đế in năm 1928).
Tháng 7 năm 1928, Toàn quyền Đông Pháp Pasquier đi thăm các tỉnh phía hậu giang xứ Nam Kỳ, đã thâm hiểu tình hình này, nên đã tuyên bố rằng ông đã ký nghị định lập nên một Sở khảo cứu Phật học để bảo thủ lấy một nền tảng tông giáo đã từng hiển hách trong nhiều thế kỷ rồi. Sau đó Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học ra đời, có Bàn Hội Viên Danh Dự gồm: Thống Đốc Nam Kỳ - Chánh Hội Trưởng; Đốc Lý thành phố Sài Gòn – Phó Hội Trưởng; bà Karpelès – Chánh Đầu Phòng sở Khảo cứu Phật Giáo nước Cao Miên và nước Lào; ông Robert – Đốc học Đông Pháp Trung Pháp Học Đường; bà Lê Thị Ngỡi – đại điền chủ ở Bến Tre.
Đến nay, sau 80 năm tình thế đã đổi hẳn. Phật giáo được phục hưng, lớn mạnh đứng vị trí hàng đầu trong các tôn giáo nước ta, tự viện dựng lên khắp nơi, trường đào tạo tăng ni cấp sơ cấp có khắp mọi địa phương, trung cấp và cao cấp có ở các trung tâm đô thị, cả nước có cả Viện Nghiên Cứu Phật Giáo, Trung Tâm Nghiên Cứu Phật Giáo, có cả báo chí, đặc san…
Nhìn lại đạo Cao Đài chúng ta trừ vài Hội thánh – như Hội Thánh Truyền Giáo – còn đang vững mạnh, song nhiều nơi khác thì không có gì lạc quan. Cấp Thiên phong chức sắc lần lược qui vị, không có người hoặc có nhưng không đủ khả năng để thay thế. Không có trường đào tạo, không có quy chế cho tu sinh, tu sĩ, lại thêm cơ sở vật chất thiếu thốn, con em nhà đạo nhiều khi muốn cống hiến trọn đời cho đạo, không có gì để bảo đảm cho các em vững tâm tin trọn con đường tu học. Tín đồ bị lôi cuốn vào vòng quay kinh tế xao lãng việc đi chùa...
Nói chung tất cả các lợi thế lúc khai đạo không còn, dường như chúng ta chưa đưa ra được những biện pháp thích nghi với tình hình mới, chúng ta dành thì giờ để nhắc lại thành tích cũ, hoặc phê bình lẫn nhau mà chưa đồng thuận về con đường cho tương lai.
Trong phạm vi nhỏ hẹp của mỗi tín đồ, hằng ngày chúng ta chỉ còn biết lo hành trau phép tu tam công: Công trình, công quả, công phu. Tìm học trong thánh ngôn thánh giáo, rút ra những lý đạo để ứng dụng cho ngay bản thân mình, đồng thời chia sẻ với đồng đạo, với những người xung quanh những hiểu biết đó, để cùng nhau vững bước trên đường về Thầy.
Riêng con đường hành đạo của Hội Thánh Truyền Giáo thì tươi sáng hơn, với cấp lãnh đạo giàu kinh nghiệm, với đội ngũ kế thừa hùng hậu được chăm sóc, đào tạo kỹ lưỡng. Các em lại có tinh thần dấn thân, biết lo vun đắp cho cơ đạo – những điều không phải nơi nào cũng có. Vẫn biết những bất đồng thế nào cũng có, mong sao cho những dị biệt không bao giờ có thể ngăn cản hay diên trì bước tiến của cơ đạo miền Trung, mà trái lại là giúp cho cơ đạo miền Trung chứng tỏ sự mạnh lẽ của mình vì đã vượt qua mọi khó khăn, để cùng nhau đi đến kết quả, chung hưởng hồng ân Ơn Trên ban cho.
![]() |
Tiền bối Nguyễn Phan Long |
0 Bình luận