TÔN
GIÁO ĐÃ ĐI ĐẾN ĐÂU
Trần
Quốc Luyện
Tôn
giáo là sự tin tưởng ở một thế giới vô hình, do một thần lực huyền bí cai quản
có ảnh hưởng tốt hoặc xấu đến đời người, và là nơi mà linh hồn người ta sau khi
chết sẽ đến đó. Tôn giáo định nghĩa rộng như thế, là một thông tính linh cảm
chung cả loài người, nó là một bản năng đặc biệt của giống người để cảm thông với
vũ trụ vạn vật và để phát huy nhân cách đến cao siêu tuyệt đích, thoát khỏi
ràng buộc của đời sống vật chất tầm thường. Bất cứ thời đại nào và bất cứ chỗ
nào, hễ có người là cũng có ngay khuynh hướng tin tưởng thiêng liêng huyền bí.
Vì vậy, tôn giáo là một yếu tố sinh tồn và tiến hóa của loài người. Nó đã luôn
tác dụng suốt lịch sử nhân loại, từ lúc khởi thủy đến ngày nay.
I. Đệ nhất kỳ phổ độ
Theo
các nhà khảo cổ về nhân chủng học, thì sự tiến hóa từ giai đoạn thú cầm qua
giai đoạn nhân loại bắt đầu cách đây một triệu năm. Phải trải qua ngót một triệu
năm, qua các giai đoạn người thú như loại Pithecanthropus, Sinanthroupus,
éoanthropus (giống người tối cổ nửa người, nửa thú do các nhà nhân chủng học
khám phá ra) đến cách đây 50.000 năm, mới xuất hiện giống người Homosapiens, đã
có nhiều tương tự với giống người hiện nay. Nhưng đến cách đây trên một vạn
năm, loài người thực thọ, có đủ trí óc tư duy trừu tượng và ngôn ngữ cảm thông
mới ra đời. Các giống người tối cổ kể trên đã thấy sợ sệt đối với các hiện tượng
chung quanh và chưa biết phân biệt thực tại với cảnh mộng, nhưng cũng đã biết
tôn thờ người chết, bằng cách chôn theo người chết các vật dụng như khí giới, chén,
bát,v.v..Họ cũng đã biết tôn thờ các vật mà họ coi như linh vật (Totem) không
được xúc phạm bằng tay chân hay bằng nhìn ngó. Khi đã có ngôn ngữ, sự tín ngưỡng
của họ trở nên tập tục chung, họ tập hợp nhau lại để làm các phép quỉ thuật
(sorcellerie) để cầu các Đấng vô hình giúp đỡ họ hay để bài trừ các tai nạn ngẫu
nhiên. Tín ngưỡng lúc bấy giờ còn chịu ảnh hưởng của lòng sợ hãi, nên có tính
cách tiêu cực, nghĩa là có tính cách ngăn cấm những việc có thể làm phật ý quỉ
thần.
Tín ngưỡng bộ lạc
Khi người
Homo sapiens đã tiến đến giai đoạn đầy đủ trí óc, có đầy đủ bản năng, tình cảm
và lý trí thì sự tín ngưỡng thiêng liêng trở thành rõ rệt. Họ tôn thờ một ông tổ
bộ lạc, họ làm các phép thuật để tránh tai nạn và để cầu may (như các lễ tế vật,
để cầu mưa thuận gió hòa cho sự trồng trọt được kết quả, cầu các tai ách, bệnh
tật không đến tiêu diệt bộ lạc, v.v..). Khuynh hướng tín ngưỡng ở thần lực huyền
bí chứa đầy cảm giác sợ hãi, tôn kính và nhất là hy vọng. Tín ngưỡng này thuộc
về ba loại:
a/ Tin
tưởng có thế giới vô hình, thế giới của quỉ thần.
b/ Tin
tưởng có một sức mạnh thiêng liêng huyền bí, sai khiến các vật hữu hình, sức mạnh
này vừa là Thần lực vừa là sinh lực và ý chí vạn vật (Mana).
c/ Tin
tưởng có linh hồn người chết sống ở một thế giới khác.
Do các
loại tin tưởng này, bộ lạc bước đến giai đoạn du mục và nông nghiệp bắt đầu tôn
thờ các vật có liên quan mật thiết đến sinh hoạt hằng ngày của họ. Dân du mục
ngồi chăn súc vật mà ngắm các hiện tượng chung quanh như sông sâu, núi hiểm,
cây to, gió bão mà sợ sệt và tin có thần nước, thần núi, thần cây và thần gió.
Dân nông nghiệp thờ mặt trăng, sấm chớp. Ngắm không gian vô tận với muôn vàn
tinh tú cao xa yên lặng, họ tưởng tượng nên muôn vàn quỉ thần ở nơi cao xa,
cũng như chung quanh họ. Một tảng đá, một gốc cây to, một con rắn dữ, đều là
qui thần cả. Đó là tín ngưỡng bái vật (animisme).
Quỉ thần nhân hóa
Với bản
năng tự tồn và đoàn kết, dưới sự thúc đẩy của nhu cầu sinh hoạt, người bộ lạc
càng ngày càng cảm thấy yếu hèn đối với sức mạnh muôn vàn thần thánh chung
quanh, càng thấy cần có một sức mạnh thiêng liêng đối phó lại. Các ông Tổ bộ lạc
đã chết, được tôn thờ như thần thánh, có năng lực bảo vệ bộ lạc. Trong bộ lạc
đã gây nên truyền thống lễ nghi mà người còn sống và tiếp nối sau phải noi giữ.
Các lễ nghi truyền thần lực huyền bí để cạnh tranh sinh tồn, mà người thiếu
niên bộ lạc IPIS hoặc Nama ở các đảo Úc Châu phải noi theo, đã chứng tỏ sự tiến
triển từ quan niệm bái vật thô sơ đến quan niệm quỉ thần có nhân cách riêng biệt
như người. Những người tù trưởng có nhân cách siêu việt và tài trí lỗi lạc xuất
hiện, khiến tín ngưỡng của bộ lạc rời hình ảnh thú vật mà hướng về những thần
linh có nhân tính.
Đồng thời,
quan niệm đạo đức xuất hiện trong tín ngưỡng. Trong Bộ lạc có những tập tục và
giới cấm phải cùng chung noi theo. Sự giáo huấn con cái để noi giữ các tục lệ ấy
và để kềm chế thú tính bản năng đưa đến sự đào tạo con người có nhân cách. Tinh
thần đoàn kết sống chung và tập truyền tôn giáo đã gieo vào lương trí bộ lạc mầm
giống đạo đức, để sau này phát triển với nhân cách đầy đủ, lương tâm cá nhân có
thể cảm thông trực tiếp với thần linh. Đó là sự tiến bộ lớn trên lịch sử tín
ngưỡng vậy.
Đa Thần Giáo
Đồng thời
với sự kết hợp các bộ lạc thành bang quốc, tín ngưỡng con người cũng tiến từ
quan niệm quỉ thần phức tạp đến một thiểu số quỉ thần uy lực tối nhiệm mầu. Thiểu
số lãnh chúa và giáo sĩ nắm quyền điều khiển và cai trị dân chúng, dưới danh
nghĩa một nhiều vị thần. Dân Ai Cập, dân Ấn Độ tin có ba vị thần tối cao quản
trị thế gian. Dân Ba Tỷ Luân, Ba Tư v.v.. đều tôn thờ một thiểu số thần thánh.
Các đền đài thờ riêng một vị thần được thành lập khắp nơi, các Chính phủ cai trị
đầu tiên đều là những Chính phủ tôn giáo. Các vị Thủ lãnh là những người quyền
úy trong bang quốc, thông cảm với thần thánh, có nhiệm vụ chăn dân trên đường
tín ngưỡng. Khoảng trên hai ngàn năm trước Tây lịch kỷ nguyên, ở Trung Quốc
xưa, có Ngũ đế (Huỳnh Đế, Phục Hi, Thần Nông, Nghiêu, Thuấn) là những bậc vua
hiền đức thờ trời. Ở Trung Đông, ông Abrabam được Chúa Trời hứa cho xứ Canaan,
sau đó ông Moise được Chúa Trời truyền cho “Mười điều răn” trên núi Sinai. Ở Ba
Tỷ Luân ông Hammourabi noi các nguyên tắc tín ngưỡng thiêng liêng mà lập ra bộ
luật Hammourabi.
Đây là
lần thứ nhứt, thần nhân ứng hiện trên thế gian, quan niệm thần thánh đã có hệ
thống và thần thánh và nhân loại đã liên quan trực tiếp bình đẳng. Theo Đạo Cao
Đài, thời kỳ này gọi là Đệ nhứt kỳ Phổ Độ, có nghĩa như là thời kỳ thứ nhất
phát huy tín ngưỡng thiêng liêng vậy.
II. Đệ nhị kỳ Phổ độ
Nhất thần
giáo và phiếm thần giáo. Nhờ càng ngày càng tiến hóa, năng lực tư duy trừu tượng
thêm phát triển, người ta biết hướng dẫn năng lực ấy theo các quan niệm tôn
giáo đạo đức. Sự thành lập các đại đế quốc nhờ sự thống nhất quốc gia đem lại
loài người một khuynh hướng thuần nhất tín ngưỡng. Hình ảnh một vị vua trị vì
thiên hạ khiến họ nghĩ rằng trong vũ trụ cũng có một vị thần tối cao độc nhất.
Với sự phát huy tư tưởng triết lý và đạo đức, quan niệm một vị thần độc nhất
thích hợp với trình độ tiến hóa loài người. Tôn giáo loại trừ các tín ngưỡng lễ
nghi cổ lỗ, phức tạp. Cần có một vị thần tối cao để đem lại trật tự trong đám
đa thần. Tôn giáo cần cải tiến theo nhu cầu thời đại. Đó là kết quả của quan niệm
nhân hóa quỉ thần vì khi đã nhân tính hóa thần thánh, sự không hợp lý và sự thấp
kém thú tính không thể tồn tại. Thần thánh cần có tính cách hợp lý và cao siêu
hơn mực bình phàm của loài người nên tôn giáo độc thần có một triết lý khúc chiết
uyên thâm và đặc biệt chú trọng phương diện đạo đức nhân sinh.
Mỗi dân
tộc quan niệm một Đấng thiêng liêng cai quản vũ trụ và loài người một cách khác
nhau, nhưng tất cả đều trở nên tin tưởng có một vị thần và chỉ một vị thần mà
thôi. Đấng tối linh tối cao tạo hóa vạn vật, theo người Do Thái là Đấng Yahvé,
người Ai Cập là Akhenaton, người Ba Tư là Ahura Mazda, người Hy Lạp là Zeus,
người La Mã là Jupiter, người Ấn Độ là Varuna hay Brahma, người Trung Hoa là
Thiên hay là Thượng Đế, người Việt Nam là Trời.
Vị thần
độc nhất này không thể hoặc thiện hoặc ác được, mà chỉ có thể tuyệt đối thiện,
đó là gương mẫu toàn thiện mà loài người cố gắng thực hiện.
Các
Giáo sĩ trong các đền chùa đã rời bỏ quyền thế gian cho các vua chúa để chuyên
tâm tu luyện, tìm cách siêu phàm nhập thánh, đạt đến cõi thiêng liêng của Thượng
Đế. Do đó, một hạng người siêu đẳng, phát huy bản năng tôn giáo đạo đức đến cực
độ, xuất hiện. Ấy là các bậc Giáo chủ.
Các bậc Giáo chủ
Từ khoảng
thế kỷ thứ năm, thứ tư trước Thiên Chúa giáng sinh và sau đấy mấy thế kỷ nữa
như có một hiện tượng tôn giáo đặc biệt phát hiện tương đương cùng một thời kỳ.
Từ Âu sang Á xuất hiện một lượt các bậc Đại Thánh nhân, sáng lập các Tôn giáo
có tánh cách nhất thần.
Ở Trung
Hoa có Lão Tử (khoảng 604 trước Tây lịch) lập ra Đạo giáo, có Khổng tử (551-479
trước TL) lập ra Nho giáo, ở Ấn Độ có Phật Thích Ca (khoảng 543 trước TL) lập
ra Phật giáo, ở Ba Tư có Zoroastre (660-583) lập Đạo Zoroastrisme ở Cận đông có
Chúa Jesus lập Thiên Chúa giáo, có Mahomet (570-632 sau TL) lập ra Đạo Hồi, các
nhà triết lý Hy Lạp Pythagore, Socrate, Platon, Aristote, cũng sinh vào thời kỳ
này.
Đạo Hồi
tôn thờ Đấng tối cao Chúa tể muôn loài tên Allah, Đạo Thiên Chúa thờ Đức Chúa
Trời (Dieu) đạo Zoroastrisme thờ Ahura Mazda, Đạo Nho thờ Thượng Đế, Đạo Lão thờ
Thái Cực đều là nhất thần giáo. Riêng Phật giáo có một tính cách đặc biệt, vì
không nhận có một vị thần tối cao mà nhận có một căn tính thiêng liêng toàn
chân, toàn thiện cho cả nhân loại, gọi là chân như bản tính hay là chơn tâm như
như, phổ biến trong lòng mọi người và trong vạn vật. Đó là một loại phiếm thần
giáo vậy.
Các bậc
Giáo chủ ấy, đã thực hiện được nhân cách toàn thiện cảm hóa hằng vạn triệu người
biết thông cảm thiêng liêng và trau giồi đạo đức. Các vị ấy tiêu biểu sự tiến
hóa tinh thần của con người vượt cao cực độ trên bản năng tầm thường của nhân
loại, nên đã để lại ảnh hưởng sâu xa đến trăm ngàn thế hệ về sau.
Thời kỳ
Tôn giáo phát triển đến cực độ này gọi là Đệ nhị kỳ Phổ Độ.
III. Đệ Tam Kỳ Phổ Độ
Các Tôn
giáo trên do các bậc Giáo chủ nhân cách hoàn thiện sáng lập chứa chấp sẵn mầm
cá nhân chủ nghĩa. Vì vậy sau Đệ nhị kỳ, tư tưởng loài người tiến triển rất
nhanh đến tự do tín ngưỡng và tư tưởng. Công phu giáo huấn tín đồ của các tôn
giáo, cố gắng giáo dục quần chúng của vua chúa để tranh dành ảnh hưởng với giáo
hội, cuối cùng sự phát minh máy in (thế kỷ XIV) đã đột nhiên phát triển trí thức
loài người một cách nhanh chóng. Dần dà số người biết đọc biết viết càng ngày
càng đông, càng có tư tưởng riêng biệt, càng có óc phê phán, đối với việc thế
gian cũng như việc giáo hội. Một cuộc cách mệnh tôn giáo phát sinh dưới sự lãnh
đạo của Luther (khoảng 1500) chống giáo hội của Giáo Hoàng và mở đầu cho tinh
thần tự do tư tưởng bành trướng thoát ly các hệ thống tư tưởng cổ truyền Thời kỳ
lý trí độc tôn đến.
Khoa học phát triển.
Từ thế kỷ XIII, Roger Bacon đã chống lại các hệ thống tư tưởng cổ truyền mà nhất
quyết cổ xúy sự học thực nghiệm. Theo đó, ông Galilée (1546-1642) đã xướng ra học
thuyết động lực (dynamique), chính ông đã phát minh rằng trái đất nhỏ hơn mặt
trời và chạy vòng quanh mặt trời khiến giáo hội buộc ông phải cải chính, nhưng
ông vẫn nói: “Nhưng mà trái đất vẫn quay kia mà”. Thật là trái với Thánh kinh
cho rằng trái đất là trung tâm bất dịch của vũ trụ. Sau đó, câu nói “Tư duy là
thực tại” (cogito ergo sum) của Descar’es càng thúc đẩy tư tưởng khoa học tiến
mạnh thêm. Với học thuyết hấp dẫn lực của Newton ra đời, khoa học càng thịnh đạt,
khiến Voltaire ca tụng khóa học tiến bộ vô biên. Đến đầu thế kỷ 19, học thuyết
của Darwin ra đời, phủ nhận thuyết của Giáo hội nói rằng: Trời tạo ra con người
và vạn vật trong thời gian 6 ngày, mà chủ trương rằng loài người do cầm thú tiến
hóa lên trải qua hàng triệu năm. Đến đây, Renan tiên đoán rằng khoa học sẽ bóp
chết Tôn giáo.
Sự thật,
tư tưởng khoa học thực nghiệm đương độ hăng hái phát sinh đã làm cho hoang mang
tinh thần tín ngưỡng không ít. Nhưng cũng nên nhìn nhận rằng các nhà khoa học
khởi thủy như: Galilée, Descartes, Bacon, Pascal, Newton,v.v.. không phải là vô
tôn giáo, chính họ đã cảm thông tư tưởng tôn giáo thiêng liêng mà phát minh các
định luật khoa học vậy. Chẳng những thái độ hoài nghi khoa học mà chính sự khám
phá những cái cực nhỏ cũng như những cái cực lớn trong vũ trụ đã khiến họ trở lại
tin tưởng thiêng liêng huyền bí hơn, cố nhiên tin tưởng một cách khoa học. Họ
đã công nhận hiện tượng tôn giáo cũng như hiện tượng khoa học đều là những hiện
tượng thực tại, khác nhau ở chổ một bên thuộc nội tâm, và một bên ở ngoại giới
(Husserl), cho nên nhà thiên văn học trứ danh Jeans đã nói: “Tất cả trong vũ trụ
đều chứng minh một cách quyết đoán rằng có một sự Tạo hóa nhất đinh. Vũ trụ
không thể do ngẫu nhiên mà có”. Nhưng khoa học chỉ có thể nghiên cứu hiện tượng
sự vật mà không thể nghiên cứu đến bản thể sự vật được. Tôn giáo tỏ ra cần thiết
để bổ khuyết điều ấy. Nhờ đó, các Tôn giáo bị áp đảo một thời kỳ vì tư tưởng tự
do phóng khoáng, nay gặp thời vận phục hưng. Các Tôn giáo Thiên Chúa, Phật
Giáo, Lão Giáo, Nho Giáo.v.v.. được truyền bá hoặc nghiên cứu tận những nơi xa
lạ. Các Hội công đồng tôn giáo Quốc tế giúp cho các tôn giáo hiểu biết nhau và
nhân đó gây mối đồng tình tín ngưỡng. Đạo Cao Đài xuất hiện. Thực xưa nay, chưa
có bao giờ tôn giáo được phổ biến rộng rãi khắp thế giới như vậy.
Thời kỳ
này gọi là đệ Tam kỳ phổ độ.
Duy vật vô thần
Nhưng
tôn giáo đương phục hưng một thời kỳ vô cùng gay go. Về tư tưởng, say mê phương
pháp thực nghiệm cụ thể người ta đã thành tánh quen quan niệm sự vật một cách vật
chất máy móc. Về xã hội, cơ khí nhờ khoa học phát đạt đã gầy dựng lên những nhà
tư bản triệu phú sang trọng phú quý và ngược lại, cũng đã tạo nên vô số lao động
nghèo khổ, gây thành một sự đấu tranh quyền lợi lớn lao chưa từng thấy. Nghiên
cứu lịch sử nhân loại về phương diện tranh đấu giai cấp, người ta kết luận rằng
loài người chỉ là một con vật hoàn toàn do hoàn cảnh kinh tế chi phối. Trong
tâm của lịch sử đã là kinh tế thì chỉ còn cách tranh đấu đoạt thủ kinh tế mà
thôi.
Chính
trị, mỹ thuật, tôn giáo, đạo đức, triết lý, pháp luật .v.v.. đều là sản phẩm của
giai cấp thống trị đặt ra, tức là phản ảnh một trạng thái kinh tế áp bức bóc lột.
David Strauss, Bruno Bauer, nhất là Fuerbach, Karl Marx và Engels (1820-1895)
đã dùng biện chứng duy vật để đã kích tôn giáo, phủ nhận Thượng Đế, cho rằng thần
thánh chỉ là tưởng tượng do giai cấp thống trị bịa đặt theo quan niệm quyền lợi
kinh tế của họ. Chưa bao giờ tôn giáo bị phản đối phủ phàng như vậy. Sự mâu thuẫn
giữa duy vật và duy tâm, tôn giáo và vô thần là con đẻ bất ngờ của khoa học thuở
ban đầu và hiện là nỗi khổ vô hạn của nhân loại vậy.
Với gốc
rễ bền chặc từ khi phát sinh nhân loại, Tôn giáo không dễ nhất đán bị phá tan
Phản lực của duy vật vô thần có thể coi như hiểm tượng nhất thời.
Tuy
nhiên, cuộc cách mệnh vô sản hiện nay cũng làm nổi bật hai điều là:
a/ Đa số
nhân loại đã hấp thụ tư tưởng tự do, bình đẳng, công lý của văn minh khoa học
nên tha thiết thực hiện nhân cách và phát triển cực độ bản năng để thoát ra
ngoài đời sống vật chất tầm thường mà sống một cuộc đời tinh thần tự do cao
siêu, quang minh.
b/ Tất
cả một người hy vọng một hạnh phúc tập thể cho toàn nhân loại.
Hai mỗi
nhu cầu này, hợp với nhu cầu tiến bộ khoa học đã nói trên kia, là ba nhu cầu
sâu rộng của toàn nhân loại hiện nay. Không một công cuộc hướng dẫn nhân loại
nào thành tựu, nếu không thỏa mãn ba nhu cầu ấy. Vì vậy, Tôn giáo mà thâm tâm
nhân loại hiện nay mong ước cần có ba điều kiện sau:
1/ Tôn
giáo mới phải là tôn giáo đại đồng, liên hiệp mọi tín ngưỡng thành một cộng đồng
tín ngưỡng.
2/ Tôn
giáo mới không phản khoa học, trái lại mạnh dạn điều hòa với khoa học. Tôn giáo
cần sửa đổi theo tinh thần khoa học.
Nguyên
lý có thể bất di bất dịch, song các cách phô diễn phát hiện phải có tính cách
khoa học chính xác, không huyễn hoặc mơ hồ.
3/ Tôn
giáo mới phải đặc biệt chú trọng vấn đề nhần sinh trong khuôn khổ tín ngưỡng
Tôn giáo phải tỏ ra thiết thực đại chúng có tánh cách phụng sự con người, chứ
không phải để cầu khẩn suông.
Ba điều
kiện này hiện đang được thực hiện trong giáo lý đạo Cao Đài, một tôn giáo đại đồng
khoa học và duy nhất.
Vì vậy
mà đạo Cao Đài được gọi là Đại Đạo của Đệ Tam Kỳ Phổ Độ.
KẾT LUẬN.
Suốt lịch sử nhân loại, Tôn giáo mật thiết với nhân sinh như bóng hình. Trải
qua nhất kỳ và nhị kỳ phổ độ, tôn giáo đã dẫn dắt người từ đời sống vật chất tiến
tới đời sống tinh thần thanh cao. Mỗi một kỳ phổ độ, xuất hiện những nhân vật
đã thực hiện được nhân cách cao siêu tuyệt luân. Đến thời kỳ phổ độ thứ ba này,
nhờ một Tôn giáo mới, đại đồng khoa học và duy nhân loài người sẽ thực hiện được
hạnh phúc đại đồng điều hòa với khoa học tiến bộ, tự tại trong đạo đức cao khiết.
Như vậy không chỉ có một số ít người thực hiện được hoàn toàn nhân cách cao thượng,
mà cả thảy loài người thực hiện được nhân cách một cách mỹ mãn trọn vẹn. Trong
thế giới đại đồng cực lạc ngày mai, người và thần tiên có một.
Đến
đây, Tôn giáo hoàn thành sứ mạng và đó là mục tiêu của Đệ Tam Kỳ Phổ Độ vậy.
TRẦN
QUỐC LUYỆN
(Bài đã đăng trong Nguyệt san Nhân Sinh 15/9/1954)
(Hình copy từ trang https://giaoxuchauson.vn/song-dao/albert-einstein-ton-giao-854.html)
0 Bình luận