CAO ĐÀI, DANH HIỆU CỦA SỰ GIẢI
THOÁT
Bài của Thanh Đạo
Đức Thượng Đế mượn
danh lập Đạo là “Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát”. Điều đó người tín đồ
Cao Đài tin tưởng bao nhiêu, thì cũng gây cho quần chúng ít nhiều sự phân vân lạ
tai khó hiểu.
-
Vậy Cao Đài là gì?
-
Tại sao đức Thượng Đế phải mượn danh hiệu Cao Đài mà lập
đạo?
-
Danh hiệu “Cao Đài” cần thiết cho nhơn loại thế nào?
Đó là ba câu hỏi, mà
sự liên hệ của đời sống mọi người trong thế gian lần lượt sẽ thấy cần nghiên cứu
chiêm nghiệm để hiểu rõ.
Người tín đồ đạo Cao
Đài tất nhiên phải tự giải đáp tinh tường cho mọi người quanh mình khi cần hiểu.
I. Định nghĩa “Cao Đài” là gì?
Theo Hán tự từ xưa đã
định nghĩa: “Đầu Thượng viết Cao Đài”. Nghĩa là: Trên hết gọi là Cao Đài.
Theo Pháp văn trong
Thánh ngôn hiệp tuyển gọi “Cao Đài, Le Très Haut” nghĩa là Tối Cao.
Vậy đấng Tối Cao là
ai?
Là đấng Cao Cả trên hết
mọi nguồn tư tưởng và tín ngưỡng của con người, tức là đức Thượng Đế, đức Chúa
Trời.
II. Tại sao đức Thượng Đế phải mượn danh hiệu Cao Đài mà lập
Đạo?
Trước khi giải đáp trọn
câu, ta thử chiêm nghiệm tại sao đức Thượng Đế lại dùng chữ “tá danh” (nghĩa là
mượn tên) mà không nói là “xưng danh”?
Nội hai chữ “tá danh”
là cả một triết lý. Vì tất cả mọi tên gọi, mọi danh hiệu gì đã có trên thế gian
đều do con người tạm đặt ra để kêu gọi để ghi nhớ cho dễ phân biệt như là đức
Thích Ca, đức Lão Tử, cái bàn, cái ghế, hòn núi, con sông, mặt trăng, Trời, Phật,
Thánh, Thần …
Truy nguyên, vạn vật
vốn không có tên, mọi người vốn cũng không có tên.
Và sau khi tên đã đặt
ra rồi thì người ta vì cái cần, cái yêu, cái ghét mà chú trọng đến tên, đến lâu
ngày thành thói quen, quan trọng danh hơn thiệt mà có một thành kiến khẳng định.
Chính vì những thành
kiến vì danh mà con người đã bị lệ thuộc hoàn toàn cho danh. Danh đã lôi cuốn
con người vào mọi cuộc tranh chấp từ nhỏ đến lớn, từ một người đến cả dân tộc,
cả nhơn loại.
Đức Lão Tử đã minh định
vấn đề “Danh” rằng: “Danh khả danh phi thường danh”.
Tạm giải: Cái danh mà
người đời đã gọi vốn không phải là danh thiệt và lâu dài: Hay mọi sự vật đã có
tên gọi, tên gọi ấy vốn không phải là thiệt và lâu dài của nó.
Cũng vấn đề danh ấy.
Đức Khổng Tử đã cho vào đầu học thuyết của Người là “Chính Danh”.
Trước hết phải định lại
cho chính danh của mọi sự mọi vật, rồi mới nghĩ đến việc phải nói hay làm.
Như vậy, ta có thể nhận
định một cách rõ ràng.
Mọi danh từ, mọi danh
phận đã có, đều là tạm theo sự tưởng tượng của con người mà đặt ra. Nhứt là những
danh từ chỉ về những trừu tượng.
Như danh từ chỉ về Trời,
thì tuỳ phương diện mà con người tưởng tượng tôn xưng. Khi nghĩ đến sự chủ tể cả
muôn loài vạn vật thì người Trung Hoa gọi là đức Thượng Đế, người Tây phương gọi
là Thiên Chúa, Thượng Đế là chỉ vì Vua trên hết, Thiên Chúa là chỉ vì Chúa tể
trên trời.
Khi tưởng tượng về sự
tạo sanh muôn loài vũ trụ thì gọi là đấng Tạo hoá, đấng Hoá công, đấng Cha Trời.
Khi tưởng tượng về sự làm chủ trên hết mọi linh hồn thì gọi là đấng Tối linh,
là Thần chủ … Khi tưởng tượng về sự công bằng cao tột thì tôn xưng là đấng Chí
công.
Vậy tất cả danh hiệu
trên đều là danh hiệu tôn xưng tuỳ theo sự tưởng tượng của con người, có danh
hiệu nào là thiệt đâu.
Do đó, mà ngày nay cần
dùng một danh hiệu là Cao Đài, đức Thượng Đế phải “tá danh” là Cao Đài. Chữ
“tá” ấy là một triết lý nhắc nhở cho ta nhớ: Tất cả tên gọi mà loại người dùng
đều là tạm đặt. Tất cả danh hiệu của các đáng đều là danh hiệu tôn xưng. Nghĩa
là nói thế nào để hiểu được là đủ, chớ không phải là tiếng gọi tôn xưng khác
nhau mà cho là khác.
Một điều rất tai hại
là: có người chỉ tin danh hiệu đức Thượng Đế mà không chịu tin tưởng danh hiệu
Thiên Chúa, hoặc trái lại cũng thế.
Cũng
như người Việt gọi là linh hồn, thì Gia tô giáo gọi là Thánh linh, Khổng giáo gọi
là Thiên tính, Phật giáo gọi là Phật tính, chắc ai cũng hiểu vốn là một, nhưng
sự tin nhận rằng linh hồn chúng sinh đều vốn một gốc, một khối mà phân ra, thì
có người cũng không đồng ý như thế.
Lời
phán của đức Thích Ca: “Nhứt thiết chúng sinh giai hữu Phật tính” nghĩa là: Mỗi
mỗi loài sinh vật đều có Phật tính có khác nào đức Gia Tô giáo chủ cho Thánh
linh của con người cùng một thể, nên đều bình đẳng trước mặt đức Chúa cha. Hay
Khổng giáo cho Thiên tính là cái gốc hoàn toàn nhứt, là đồng nhứt tính trong
toàn thể con người.
Ba
ý ấy cho ta hiểu rằng: mọi người sanh ra đều vốn có một gốc về bản chất thiêng
liêng là linh hồn. Dù gọi là Phật tính, Thiên tính, Thánh linh phải chăng đó là
sự lãnh hội siêu việt của các Đấng vốn đồng một lý duy chỉ khác nhau về tên đặt
mà thôi.
Do
các lý lẽ trên, để tránh cho nhân loại vấn đề danh từ có thể khó tin nhận được
chân lý có một, nên Thầy mới dùng chữ tá danh.
Vậy
Cao Đài là một danh hiệu mới, hoàn toàn chưa mang màu sắc dân tộc nào trong đó,
để nói lên cái ý nghĩa tối cao trong tư tưởng con người.
Dù
loài người tôn xưng Đấng ấy là Thiên Chúa, là Phật, là Thượng Đế, là Trời, là Tạo
hoá … Đấng ấy chỉ có một. Đó là đấng Tối cao của nhân loại.
Ngày
nay chúng ta được phép tin tưởng đấng Tối cao vốn có của toàn thể nhân loại với
danh hiệu mượn tạm là: Cao Đài.
Vì
các lẽ trên, để tránh cho nhân loại có sự tin tưởng làm chia cách nhau bởi các
danh hiệu tôn xưng từ trước, nên đức Cha Trời phải mượn danh hiệu Cao Đài để
hình dung sự tối cao không màu sắc của nhân loại, để lập đạo với mục đích làm
cho nhân loại chịu tín nhận mình đều do một gốc mà sinh ra để yêu thương nhau,
để lấp bằng những hầm hố chia cách tàn hại lẫn nhau.
III. Danh
hiệu Cao Đài có cần thiết cho nhân loại chăng?
Như trên đã nói với một lý tưởng
cao tột của nhân loại để hướng về sự Thiêng liêng tối cao trong tư tưởng con
người, mà vì không gian và thời gian đã làm cho con người khó gặp nhau, tin nhận
nhau, làm cho giảm bớt các hiệu lực cứu đời của Đấng giáo chủ từ xưa.
Ngày nay, tư tưởng
loài người đã bị vật lực lôi cuốn, xua đẩy đến cảnh xâu xé tương tàn. Phải
chăng lòng tin nhau đã mất, lòng tin cái lẽ phải nơi đấng Tối cao cũng bị mất lần.
Chính các tôn giáo cũng vì ảnh hưởng hiện tại cũng không chịu tin nhận nhau
trên một vài khía cạnh chân lý vốn là đồng nhứt.
Thử hỏi: mọi người vì
lợi quyền mà không tin nhau.
Tôn giáo vì ảnh hưởng
tinh thần, cũng không tạo nên lòng tin duy nhất cho nhân sinh, thì lý tưởng của
con người còn biết dựa vào đâu trong khi ảnh hưởng cuộc sống vật chất càng chi
phối mảnh đời sống.
Một bên thì lòng tin
mất đi, một bên thì vật lực lôi cuốn. Con người tự nhiên phải bước lần vào bể
thẳm của phiêu lưu, sa đoạ và tự diệt.
Đấng Cha lành của
nhân loại vì mục đích cứu thế gian một lần cuối cùng trong buổi hạ nguơn hầu
mãn này, nên chính mình giáng cơ giáo đạo. Muốn phục hồi lòng tin lại cho nhơn
sanh, nên mới mượn danh hiệu “Cao Đài” để chỉ về đấng Tối cao, mà nhân loại bất
cứ địa phương nào mà cũng tôn xưng với danh hiệu khác nhau, đều có thể hiểu được,
tin nhận được. Vì tư tưởng tối cao của con người, dù ở địa phương nào, dù đời
nào cũng vốn có một, nên gọi chung là đấng Tối cao của cả nhân loại.
Đã gọi là đấng Tối
cao, tự nhiên ta thấy mọi niềm chia cách sâu xa từ trước tan biến lần, để rồi
tin nhận đấng Cha Chung của nhơn loại,
nên nhơn loại vốn là anh em ruột với nhau về phần linh hồn.
Sự thương yêu tự khắc
sẽ làm cho loài người cảm thấy một chân trời tự cứu chớm nở trong lòng mình.
Kết luận: Cao Đài là
sự tối cao trong tư tưởng loài người vốn không có màu sắc. Sự tối cao đó chân
lý của con người vốn là sự sống sự tiến bộ và sự sinh tồn quyền năng thiêng
liêng ấy gọi là đấng Tối cao.
Đấng Tối cao tức là đức
Thượng Đế, đức Chúa Trời giáng cơ giáo đạo cứu độ chúng sanh buổi hạ ngươn này,
để tránh cho nhân loại sự khó tin nhận nên tá danh là “Cao Đài”.
Con người hễ tin nhận
được các lẽ trên, tự nhiên sự khôn ngoan sẽ giúp cho một khối đức tin sáng tỏ đủ
sức phá tan những ảnh hưởng đen tối của cuộc đời tội lỗi, để tự cứu lấy mình
thoát hoạ diệt vong.
Cao Đài là lý tưởng tối
cao trong tư tưởng nhân loại, không còn chia cách bởi màu sắc tôn giáo, màu sắc
dân tộc gì cả. Vì đấng Tối cao Chúa Trời
đã phán dạy:
“Nhiên Đăng Cổ Phật
thị ngã, Thích Ca Như Lai thị ngã, Gia Tô giáo chủ thị ngã kiêm viết Cao Đài”
và câu: “Thầy là các con, các con là Thầy”
Vậy người đạo Cao Đài
trước nhứt đã thành kính tin nhận các đấng Giáo chủ là hiện thân đức Cao Đài.
Hay đức Cao Đài ngày xưa khi cứu độ các dân tộc vốn đã mượn thể xác hạ phàm là
các đấng Giáo chủ.
Cao Đài là danh hiệu
giải thoát mọi thành kiến chia rẽ của con người.
THANH ĐẠO
(Bài đã đăng trong Tạp chí Nhân Sinh tháng 1 năm 1964)
0 Bình luận