Ngày Đạo rộng mở

(Trích Hồi ký Cố Giáo hữu Nguyễn Như Sơ, Tiên vị: Phối sư Thái Sơ Thanh). 



Thuyền Đạo đến ngày ra khơi, tôi và anh em vui mừng gặp phái đoàn Truyền giáo miền Nam ra Trung là đức Thái lão Trần Đạo Quang, anh lớn Cao Triều Phát, Đạo huynh Khuê Lạc tử, chú Đạo Năm, cô tư Gò Công, cô tư Thanh San và một vị nữa là anh bạn Nguyễn Hồng Phong, tạm trú tại chùa Tây Thiên, thuộc làng Thọ Sơn, phủ Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Ngày vui mừng này mở đầu một giai đoạn mới: Nam Trung hội ngộ sứ mệnh tiến hành.

Công cuộc truyền giáo ở thôn quê với những con người gan ruột đầy mình, nay lại thêm sức thánh thần gia hộ, thì còn chi vui bằng. Tôi và anh lớn Nguyễn Quang Châu họp đồng ý kiến cùng đức Thái lão và cả phái đoàn miền Nam ra Đà Nẵng mở Đạo. Ra Đà Nẵng như ra giữa chợ đông. Việc truyền giáo không che giấu như ở thôn quê. Đà Nẵng là nhượng địa thuộc quyền Pháp cai trị. Sự ngăn cấm đạo của Nam triều không có hiệu lực ở đó.

Đức Thái lão và chúng tôi trước tạm trú tại chùa Từ Vân, sau mượn chùa Bảo Nghiêm (nay vẫn còn ở đường Hoàng Diệu) để có chỗ thiết lập Thánh thất. Vâng lệnh đức Thái lão chúng tôi: Nguyễn Hồng Phong, tôi, Hương Chuyên người La Tháp Duy Xuyên, tìm được một khu đất rộng nằm sát đường rầy thuộc địa phận ấp Vĩnh Ninh, xã Thạc Gián. Đức Thái lão đồng ý đứng tên mua.

Khi có đất rồi, không bao lâu quý anh lớn Lê Kim Tỵ thuộc phái đạo Tiên Thiên, cụ Hội trưởng Liên Hòa Tổng hội Nguyễn Phan Long ra Trung chung sức cùng đức Thái lão và chúng tôi xây dựng Thánh thất Trung Thành. Cũng nên nói Trung Thành có nghĩa là Trung đạo Thành công. Nói hẹp thì hai câu liễn ngõ Thánh thất Trung Thành dưới đây nói lên sứ mạng Đạo pháp nối liền hai miền Nam Bắc lâu dài:


“Bắc vãng Nam lai, Đại Đạo Tam kỳ quy vạn chủng

Đông tiền Tây hậu, cơ đồ nhất thống vĩnh thiên thu”.


Câu trên “Bắc vãng Nam lai” chỉ về đất miền Trung làm nơi gặp gỡ giữa hai miền Nam Bắc; cũng sẵn ý Thánh thất sau lưng có con đường xe lửa thông suốt Bắc Nam. Thánh thất Trung Thành trước mặt là Đông, sau lưng là Tây. Vậy chữ “Bắc vãng Nam lai” “Đông tiền Tây hậu” diễn tả chữ Trung. Còn chữ Thành được diễn tả bằng các chữ

“Đại Đạo Tam kỳ quy vạn chủng - cơ đồ nhất thống vĩnh thiên thu”.

Hai câu liễn ngõ ấy đập mạnh vào người Pháp, khiến họ tìm hiểu Cao Đài nhiều lắm. Nguyên họ chia đất nước ra 3 cõi Bắc Trung Nam để dễ cai trị. Họ thường gây cớ cho người Việt ở 3 cõi kỳ thị lẫn nhau. Thấy Bắc vãng Nam lai họ nghi Cao Đài miền Trung có đường lối nối dân tộc lại một dòng, chống lại thủ đoạn “chia để trị” của họ.

Nhất là chữ cơ đồ nhất thống, họ nghi Cao Đài chủ trương hình thành quốc đạo Việt Nam. Còn Đông tiền Tây hậu rõ là địa thế Việt Nam sau lưng có núi trước mặt có biển, họ nghi đó là cơ đồ Việt Nam mà đạo Cao Đài định thống nhất. Họ không nghĩ ra ở đời đâu có gì lâu bền đâu! Nhà Đinh nhất thống thập nhị sứ quân, nhà Nguyễn nhất thống Bắc Nam, có nào vĩnh thiên thu đâu. Chỉ có cơ đồ Đại Đạo mới vĩnh thiên thu mà thôi.

Chỉ có quyền Thượng Đế mới quy vạn chủng được. Nói Bắc, Nam, Đông, Tây đây cũng như nói:

“Đạo mầu rưới khắp nơi trần thế.

Ngàn tuổi muôn tên giữ trọn biên”.

Chính nghĩa là thế!

Cũng chẳng trách họ làm gì. Cao Đài là Thượng Đế thì tường cao cửa kín, đứng ngoài làm sao thấy được bên trong. Đạo Trời đến thế gian như nước tưới vào lửa cháy lan. Dân tộc Việt Nam đang bị “lửa luyện tội thay hình đổi dạng” từ Tàu đến Tây đốt cháy, dường như quốc hồn sắp tiêu vong. Thế mà có người lại cản ngăn Đạo Trời.

Người Pháp sao lại không nhớ rằng không có việc chi đức Chúa Trời làm chẳng được?

Nhắc lại khi sắp sửa xây dựng Thánh thất Trung Thành, một đằng Pháp không cho phép hẹn rày hẹn mai, hẹn thì cứ hẹn, một đằng chúng tôi vâng mệnh Trời cứ mở móng đắp nền… Cuối cùng Thánh thất Trung Thành được xây dựng và khánh thành, với sự có mặt của đại diện chính phủ Pháp tại Đà Nẵng…

Từ ngày Thánh thất Trung Thành lập xong, cơ đạo miền Trung như dòng nước lưu thông. Chúng tôi ngày đêm mạnh bước theo Thầy, dường như càng lãng quên tất cả mọi sự ngoài Đạo, ngoài Tâm.

Tiếp theo đó, quyền pháp Cao Đài miền Trung bắt đầu thành lập tại Thánh thất này với danh nghĩa quyền Hội thánh Trung kỳ. Chúng tôi nhìn thấy đường mình đi mỗi ngày một rộng lớn. Phần nội vụ, ngoại giao bề bộn; phần nông, công, lương tiền thiếu thốn; từ việc phổ thông giáo lý, xây dựng nhân sinh, đến việc làm Phước thiện bên ngoài, lo hòa mục bên trong, bá ban vạn sự phải tiến hành, ít có thời giờ nghỉ ngơi được…

0 Bình luận