Đạo Cao Đài hay Tôn Giáo Tổng Hợp

 Nguyễn Phan Long. 



BÀI THUYẾT ĐẠO NGUYÊN BẰNG TIẾNG PHÁP CỦA NGÀI NGUYỄN

PHAN LONG, ĐÃ ĐƯỢC DỊCH RA QUỐC NGỮ VÀ ĐĂNG TRÊN TẠP CHÍ

CAO ĐÀI GIÁO LÝ.  BÀI NÀY ĐÃ ĐƯỢC ĐỌC TRONG LỄ KHÁNH THÀNH

THÁNH THẤT TRUNG THÀNH VÀ KHAI MẠC ĐỆ BÁT LONG VÂN ĐẠI

HỘI THÁNG 4 MẬU DẦN (1938).


Kính thưa chư quý Bà,

Kính thưa chư quý Ông,

Kính thưa chư quý Đạo hữu lưỡng phái,

Đã lâu rồi, có lẽ chư quý vị cũng từng nghe nói đến mấy chữ “Đại đạo Tam kỳ Phổ độ”. Vậy nay nhơn dịp nầy, tôi xin giải đại lược về ý nghĩa, lịch sử và tôn chỉ của Đại đạo Tam kỳ Phổ độ.

Đại đạo Tam kỳ Phổ độ hay là đại ân xá kỳ ba của Trời, vốn là một Tôn giáo mới mẻ do thần cơ diệu bút và do giáo lý của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế lập ra. Nền tôn giáo mới mẻ nầy lấy danh của Đức Cao Đài là vị giáo chủ mà làm Danh hiệu. Hai chữ CAO ĐÀI có nghĩa là cái đài cao nhứt, là Bạch Ngọc Kinh, nơi thượng giới, hay hiểu rộng ra nữa là ám chỉ Đức Chí Tôn, Chúa tể Càn Khôn, Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế, chấp chưởng Càn Khôn, thống ngự vạn vật trên cõi huyền khung (Thiên đình).

CAO ĐÀI: danh từ Cao Đài đã có lâu đời rồi, ghi chép trong những quyển kinh tối cổ của nhà Phật, nơi trương đầu sách Thánh bằng chữ Hán do hội truyền giáo của người Anh và ngoại quốc xuất bản vào năm 1913 tại Thượng Hải. Nhưng mãi đến năm 1919 hai chữ ấy mới đầu tiên thực hiện tại xứ Nam Kỳ, trong một bài Thánh giáo ban cho quan Tri phủ Ngô Văn Chiêu, chủ quận Cù lao Phú Quốc, ở giữa vịnh Xiêm La.

Tánh thanh liêm lại đặng dân chúng kính mến, quan phủ Ngô Văn Chiêu, lúc ấy đã đi vào con đường Đạo đức rồi, hằng noi theo quy luật của đạo tu Tiên một cách rất chín chắn. Trong cảnh hẻo lánh xa khơi thuận tiện cho sự trầm tư mặc tưởng kia, quan phủ rất ham mê cầu tiên với những đồng tử từ 12 đến 15 tuổi. Chính từ nơi các Đấng Thiêng Liêng ấy mà Ngài tiếp đặng nhiều lời khuyến dụ cần ích về sự tiến hóa tinh thần của Ngài. Trong các đấng thường giáng cơ ấy, có một vị xưng danh là Đức Cao Đài và tỏ tình quyến luyến với quan phủ Ngô Văn Chiêu. Ngài mới xin với Đức Cao Đài chỉ cho Ngài phương cách thờ phượng theo một hình thức hiển nhiên. Sau đó Ngài đắc lịnh thờ Đức Cao Đài dưới biểu tượng một “Con Mắt” có nhiều tia sáng chung quanh.

THIÊN NHÃN: Về vấn đề “con mắt” ấy hay là Thiên Nhãn mà có kẻ diễu cợt hay không ưa đạo đem ra mỉa mai, nói là con mắt của thành Mạc Tư Khoa (nghĩa bóng là cộng sản vậy). Tôi xin ngưng lại một chút để giải rõ ý nghĩa cao thâm của Thiên Nhãn. Thiên Nhãn vừa nói trên khêu gợi tự nhiên trong tâm giới của người ta một tư tưởng về đấng Tạo hóa. Ngay như trong sách Phần của đạo Thiên Chúa kêu là Catéchisme Album do nhà in Saint-Joseph xuất bản tại Paris, người ta đã có in “Thiên nhãn” và để lời chú thích như vầy:

“Đức Chúa Trời là đấng Thiêng liêng, mắt phàm không thể thấy đặng và vì thế mà không thể miêu tả ra bằng một hình ảnh gì. Thiên nhãn kia chỉ cho chúng sanh rõ rằng:

Đức Chúa Trời là đấng thần thông vô lượng vô biên, việc chi cũng soi thấu, vật chi cũng trông thấy. Người ta vẽ chung quanh Thiên nhãn những tia sáng của mặt trời để chỉ rõ Đức Chúa Trời là ngôi Thái dương chơn thật và chính Ngài soi sáng làm cho ấm áp và đem sự sống cho cả muôn loài. Đức Chúa Trời thật là “ánh quang trường cửu”.

Vả lại trong một bài Thánh giáo, Đức Cao Đài có dạy rằng: “Chưa phải hồi các con hiểu đặng tại sao vẽ Thánh tượng “con mắt” mà thờ Thầy, song Thầy cũng nói sơ lược cho các con hiểu chút đỉnh:


“Nhãn thị chủ tâm

Lưỡng quang chủ tể

Quang thị Thần

Thần thị Thiên

Thiên giả ngã dã”


Ngày xưa, triết gia kiêm khoa học gia trứ danh là ông Aristote của nước Hy Lạp cũng nghĩ biểu hiệu của đấng Chúa tể Càn Khôn ra như thế, nên khi ông Secundus hỏi quan niệm của ông về đấng Chúa tể Càn Khôn, ông trả lời rằng:

“Chính là đấng trọn lành tự nhiên mà có, là ngôi cao thâm không sao trông thấy đặng, là một đấng mà người ta không thể hiểu nổi, là một thiêng liêng trường cửu thông suốt cả vạn vật, là Thiên nhãn luôn luôn mở, là một chất tinh túy của muôn loài, là một quyền năng có nhiều danh hiệu, là một bàn tay thần thông vô cực. Đấng Chúa tể Càn Khôn tức là “Ánh quang” là ngôi toàn tri toàn năng là nghị lực linh diệu vô song”.

Trên con đường tiến hóa, nhơn loại lại tượng hình đấng Chúa tể Càn Khôn tương tự như mình để chỉ rằng quan niệm của mình đối với đấng ấy là thế. Ngày nay, nhờ trình độ lên cao một chút nên trí tưởng của nhơn loại hiểu đấng Chúa tể Càn Khôn một cách cao siêu, rộng rãi hơn. Có lẽ một ngày kia, nhơn loại đặng tấn hóa hơn lên, sẽ nhờ lực lượng của phương pháp trừu tượng để hiểu đấng Chúa tể Càn Khôn ở chỗ tinh túy, để ngắm xem Ngài một cách trực tiếp giữa sự vinh diệu cực đẹp của Ngài, khỏi phải cậy đến khoa mỹ thuật của phàm thế mà sự chế tạo từ những hình tượng vụng về của dân Phi Châu cho đến những bức tranh và những pho tượng kiệt tác của đời nay, chỉ tưởng tượng Ngài ra một cách bất hoàn toàn.

NGỌC CƠ: Tôi xin tạ lỗi cùng chư vị về câu chuyện viễn vông ấy và tôi xin bàn tiếp câu chuyện của quan phủ Ngô, là tín đồ trước nhứt của đạo Cao Đài.

Sáu năm sau, vào khoảng năm 1925, một nhóm thư ký thuộc về các Ty, các Sở của chính phủ Nam kỳ, cư ngụ tại Sài Gòn đồng hiệp nhau cầu cơ mỗi buổi chiều để tiêu khiển. Mấy vị nầy, lúc đó chỉ “xây bàn” thôi.

Kết quả ban đầu cũng tầm thường song nhờ sự bền chí, nhờ sự tập luyện thuần nhã, rồi sau lại đặng nhiều thành tích tốt đẹp. Mấy vị ấy tiếp được nhiều bài rất hay, rất huyền diệu của Thần Tiên trả lời cho những câu hỏi hoặc bằng văn xuôi, hoặc bằng văn vần theo lối thi, phú, đối. Những cha mẹ hay những bằng hữu quá vãng của các vị ấy lại hiện về nhập vào bàn để nói việc gia đình và để lời chỉ bảo.

Trong các chơn linh nhập cơ có một vị làm cho nội nhóm đều để ý nhứt và hằng lai vãng để giảng dạy nhiều bài triết lý rất cao siêu. Vị ấy không chịu xưng danh mặc dù nội đàn hết sức cầu khẩn cũng vậy.

Chẳng bao lâu có nhiều vị khác đến hầu đàn rất đông. Lúc bấy giờ, đàn cơ có vẻ nghiêm trang và có thường hơn trước. Vì cách xây bàn bất tiện nên đấng chơn linh nặc danh kia mới dạy tạo Ngọc Cơ mà dùng.

SỰ BIỂU LỘ: Đêm 24.12.1925, nhằm ngày Đức Gia Tô giáng sanh, đấng Chơn linh kia, thuở giờ không xưng danh, nay mới cho biết rằng Ngài là Chúa tể Càn Khôn, là Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế tá danh là Cao Đài, đến truyền chơn Đạo cho nước Việt Nam. Từ đó, đấng Tôn sư Chí Tôn khởi sự truyền mối Đạo mới cho các môn đồ trước nhứt của Ngài.

Cũng trong năm ấy, ông Lê Văn Trung, cư ngụ tại Châu Thành Chợ Lớn, nhập môn vào đạo Cao Đài. Vốn là cựu Hội đồng quản hạt và Hội đồng thượng nghị, ông Trung, trước kia, vẫn còn đeo đuổi theo tiền tài và các cuộc vui say của đời, nay hẳn thật nhiệt tâm theo Đạo mới. Sau khi giao tiếp với “nhóm Thần linh học Sài Gòn” và với quan phủ Ngô Văn Chiêu, ông Trung đắc lịnh Đức Chí Tôn chủ trương truyền bá mối Đạo mới. Nhờ đó mà một phái người giữ đạo Cao Đài mới thành lập. Phái này gồm có 12 người, toàn người Âu học và quan viên của Chánh phủ Nam kỳ tại Sài Gòn. Sự hăng hái và tấm lòng xả lợi buổi đầu của những vị tiền đạo ấy qui tựu đạo hữu một ngày một thêm đông. Từ đó, đạo Cao Đài bước qua khỏi chỗ phạm vi chật hẹp mà lan tràn khắp trong dân gian.


CAO ĐÀI XUẤT THẾ: Số người nhập môn trùng trùng điệp điệp, nhờ vậy, nên qua năm Bính Dần (18.11.1926) nhằm ngày 14.10, đạo Cao Đài chào đời bằng một cuộc Đại lễ cực kỳ long trọng giữa muôn muôn ngàn ngàn đạo hữu các nơi trong Nam kỳ, tại chùa Từ Lâm (Tây Ninh). Đạo Cao Đài đã chính thức công khai là vậy. Đến nay là năm Mậu Dần (1938), đạo Cao Đài đã trải qua một con giáp tức là 12 năm và đã đặng 13 tuổi rồi.

Trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy, mối Đạo mới mẻ nầy đã được trên mấy trăm ngàn tín đồ. Và nếu không gặp những sự hạn chế khó khăn thì Đạo ấy đã lan tràn khắp cả Đông Dương và có gấp mấy mươi triệu tín đồ.

CAO ĐÀI ĐẠI ĐỒNG: Thử hỏi đạo Cao Đài có chi mà độ sanh chúng mau chóng như thế? Chẳng có chi khác hơn là tính cách Đại Đồng làm cho đạo ấy, dầu ở thời buổi nào, cảnh ngộ nào cũng có thể thích hợp theo trình độ tấn hóa của nhơn loại hết.

CAO ĐÀI ĐẠI ĐẠO: Tức thị là ngũ giáo qui nguyên. Ngũ giáo kể đây cũng gọi là Ngũ chi Đại Đạo: - Nhơn đạo (Nho giáo) - Thần đạo (Thần đạo bên Nhựt) - Thánh đạo

(Gia Tô giáo) - Tiên đạo (Lão giáo) - Phật đạo (Phật giáo).

Về phương diện luân lý, Cao Đài nhắc nhở người đời những bổn phận đối với mình, đối với gia đình, đối với xã hội là một gia đình lớn hơn, đối với nhơn loại là một gia đình đại đồng.

Về phương diện triết lý, Cao Đài Đại Đạo khuyên nên khinh rẻ những danh lợi, quyền tước, những sự xa hoa phù phiếm. Tóm lại, là giải thoát những sự buộc ràng của xác thịt để tầm sự hạnh phúc hoàn toàn của linh hồn trong cõi hư linh.

Về phương diện nghi tiết, Cao Đài Đại Đạo dạy thờ Trời tức Ngọc Hoàng Thượng Đế, Cha chung cả quần linh, thờ các đấng Thiêng liêng cao thượng đã đặng liệt vào trong tam thừa cửu phẩm siêu hình. Cao Đài Đại Đạo công nhận sự thờ phượng Tổ tiên, nhưng cấm cúng thực phẩm huyết nhục và đốt giấy tiền vàng bạc, giấy áo quần, giấy vãng sanh.

Về phương diện Thần linh, Cao Đài Đại Đạo hiệp với các Tôn giáo khác và những triết lý của khoa triết lý duy tâm và khoa tâm lý mà công nhận rằng: linh hồn vẫn có, vẫn sống luôn luôn sau khi xác phàm đã tiêu diệt; cơ tấn hóa của linh hồn cũng có nhờ sự luân hồi chuyển kiếp và kết quả về những hành vi của con người đời sau do luật nghiệp báo.

CƠ QUY NGUYÊN: Lý thuyết của Cao Đài Đại Đạo phần nhiều rút trong lý thuyết của các Tôn giáo khác, là vì muốn thực hành cơ quy nguyên ngũ giáo. Cho nên Cao Đài Đại Đạo phải dung nạp những lý thuyết mà ai ai cũng công nhận là chơn lý trường cửu, ý nghĩa của luật Trời. Chính do theo những chơn lý trường cửu ấy, Cao Đài Đại Đạo kềm thúc lý thuyết mình. Nhưng chỗ nào mà một ít chân lý đã bị người ta hiểu lầm hoặc giảng giải sai biệt thì Cao Đài Đại Đạo có trách nhiệm đem các chơn lý ấy về nguyên lý.

Ngày xưa Đức Gia Tô há không nói câu này sao? “Nhiều việc của ta nói cho các ngươi ngay đây, các ngươi không thể hiểu đặng và có lẽ Ta cũng có nhiều việc phải nói cho các người mà các ngươi có lẽ cũng không hiểu rõ, bởi thế Ta chỉ nói với các ngươi bằng những lời nói bóng. Rồi sau đây Ta sẽ sai xuống cho các ngươi vị Thần an ủi các nỗi khổ, vị Thần chơn lý, vị Thần ấy sẽ lập lại và giải rõ nghĩa tất cả các việc”.

Khi Đức Phật Thích Ca vừa khởi thoát xác để nhập vào cõi Niết Bàn, đệ tử quý nhất của Ngài là Ananda rơi lụy mà hỏi Ngài rằng: “Khi Tôn sư đi rồi, còn ai dạy bảo chúng con?”. Đức Phật mới đáp rằng: Ta chẳng phải là vị Phật đầu tiên hay là vị Phật cuối cùng giáng trần… Thời giờ đến sẽ có một vị Phật khác hiện ra tái thế, một vị Chí thành, một vị Đại giác cực thượng… một vị Hướng đạo vô song của nhơn loại, một vị Chúa tể cả Thần Thánh và loài người. Đấng ấy sẽ truyền cho các ngươi một mối Đạo rất vinh diệu về buổi sơ khai, rất vinh diệu về buổi thịnh hành, rất vinh diệu về buổi chung quy, rất vinh diệu hoặc ở tinh thần cao xa hoặc ở ý nghĩa chật hẹp của câu văn. Đấng ấy sẽ công bố một kiếp đời Đạo pháp hoàn toàn và tinh anh”.

ĐỨC TIN: Đời nay hơn đời nào hết, Đấng an ủi các nỗi thống khổ, Thần Chơn Lý, đấng Hướng đạo quần linh mà Đức Gia Tô và Đức Thích Ca đã báo tin trước rất cần ích cho nhân loại hiện đang lo sợ trong lúc chờ đợi những phong trào kinh khủng nay mai.

Lý luận và khoa học mà người ta lấy đó làm tự đắc về trí thông minh và sự học thức của mình, đã đem thay thế cho các Tôn giáo, nay thấy thất bại lần lần. Hiện giờ, nhơn loại vô phương đang ở trong sự khủng bố mỗi phút mỗi tăng, phải có ở vào cảnh ngộ của kẻ bị tai nạn và nỗi thống khổ dập dồn mới tìm lại đặng cái đức tin của tuổi ấu thơ mà cũng là đức tin về các thế hệ trước nhất của loài người biết tư tưởng.

Đức tin kia vẫn bất di bất dịch ở chỗ tinh túy nhưng nó đã biết bao lần bị hiểu và bị giải thích một cách sai lầm. Đức tin đã có một lần chót kia chỉ bày cho các Thánh mà hình như các Thánh và bất luận là ai khác nữa cũng không hiểu đặng tường tất sự ấy.

Chơn lý, dầu có đem ra phô diễn trăm ngàn cách khác nhau, cũng không sao phô diễn cho tường tất đặng và cần phải có nhiều Giáo chủ ra đời để chỉ rõ cho chúng ta thấy các mặt của chơn lý ấy.

SỰ TẤN HÓA CỦA NHƠN LOẠI: Nhờ sự tấn hóa của nhơn loại trải qua mấy ngàn thế kỷ trí khôn ta được mở mang, lòng bác ái ta được nới rộng và thâm thúy hơn, nên ngày nay ta mới đủ sức hiểu rõ hơn tổ tiên ta những chơn lý ấy, vì tổ tiên ta xưa không làm đặng vậy. Lại nữa, cái chi thích hợp cho sự cần thiết của đời từ 2000 hoặc 2500 năm về trước, tất nhiên không thích hợp với những sự cần thiết và sự hiểu biết một cách hoạt bát võ trụ của chúng ta ngày nay.


Một Tôn giáo cần nhứt phải phù hợp với điều mà chúng ta thấy chung quanh chúng ta. Bởi thế, chúng ta cần phải có một vị chưởng giáo mới không phải để dạy chúng ta những điều mới, mà chính là để công bố, một lần nữa, những chơn lý tối cổ kia để tô điểm nó ra vẻ mới mẻ và phô bày nó ra bằng một giọng nói đẹp đẽ, hầu làm cho lạ mặt và cảm hóa được tâm hồn người đời nay vậy.

Các Thánh thơ truyền lại cho chúng ta những đạo lý của các đấng Chưởng giáo.Nhưng chúng ta phải hiểu rằng: các Thánh thơ ấy tức là những bài trước thuật, những điều mà người ta cho rằng các đấng ấy đã có nói. Phần nhiều những Thánh thơ ấy viết ra, sau một thời gian khá lâu của các đấng ấy còn tại tiền và bị tác giả để thêm màu mè hương vị vào tùy theo sự thông minh và sự học hỏi của họ. Một tác giả truyền lại cho chúng ta, chẳng phải những lời của đấng Chưởng giáo nói, mà chính là điều của họ hiểu và còn nhớ trong giáo lý của Tôn sư họ dạy. Vị tác giả ấy thật tình đã kỹ thuật thiếu sót hoặc làm sai lạc cái giáo lý ấy. Chơn lý trường cửu là bất di bất dịch nên chúng ta không thể sửa đổi cái tinh túy của nó đặng nhưng chúng ta có thể duyệt lại bài trước thuật các chơn lý ấy. Vì sự duyệt lại này là phần của phàm nhơn miễn đừng làm hư hại cái đại ý của nó và chúng ta có thể phô bày các chơn lý ấy ra bằng một cách giải nghĩa mới mẻ, thích hợp với kiến thức của chúng ta ngày nay.

SỰ GIẢI THÍCH: Tóm lại, một cách giải thích mới mẻ các chơn lý ấy thật cần yếu. Vì trải qua bao nhiêu thế kỷ, các chơn lý ấy có lẽ đã bị sửa đổi hình thức và sai lạc cho đến đỗi ngày nay không thể nào nhìn nhận được vài cái ý nghĩa của giáo lý chơn truyền kia, đã bị mờ ám vì các lời chú thích, các nghi tiết và lễ hội đã chồng chất lên, đã đảo ngược nhau, hoặc đã sai biệt hẳn đi.

Thật ra chúng ta vốn chưa bắt đầu đem ra thực hành sống theo giáo lý cổ truyền; giáo lý này bất luận thời đại nào cũng có thể dùng được. Lẽ cố nhiên điều ấy là chúng ta trốn tránh các trách nhiệm của chúng ta mà tự hỏi rằng: Khi các vị chưởng giáo ấy còn tại thế gian, các vị chưa từng hiểu biết những nỗi khó khăn khúc khuỷu của nền văn minh hiện thời và không gặp dịp để giải quyết những vấn đề khổ trí của đời phức tạp hiện đại của chúng ta. Và dẫu rằng: lý thuyết của các vị có đẹp đẽ đến đâu đi nữa cũng không thể đem ra thực hành giữa cái đời bận việc, xao xuyến này được. Lại nữa, dẫu có nhiều kẻ đã gắng công kềm thép đời họ đúng theo các lời Đạo lý thiên nhiên ấy cũng không có được một nước nào đem những lời đó ra thi hành trong sự giao tế với các nước khác.

LÒNG BÁC ÁI, ĐẠI ĐỒNG: Về phần mỗi đẳng cấp thì họ chối hẳn các lý thuyết ấy bằng những cách hành động của họ mà họ chỉ tự thú ngoài môi.

Mấy năm sau này, người ta đã bàn bạc rất nhiều đến sự chấn hưng xã hội, sự chấn chỉnh nền văn minh. Thật vậy, các khoa như Quốc sử, xã hội và triết lý có thể chỉ đường dẫn lối nhưng không thể tạo ra cái mãnh lực làm cho phong trào chấn hưng kia hoạt động đặng. Chúng ta không thể tin cậy nơi chúng ta cái nghị lực và cái cảm hứng rất cần yếu cho sự đổi lời nói ra việc làm có kết quả. Bởi vậy, chúng ta cần có một vị Chưởng giáo để chỉ rõ cho chúng ta phải làm thế nào thực hành các giáo lý ấy với những vấn đề và những điều mắc mỏ của nó cho đời kim thời này; để ban bố cho chúng ta cái cảm hứng và biết lấy cái chơn lý tối cổ kia làm tiêu chuẩn cho đời chúng ta; để dạy chúng ta đức bác ái, đại đồng; để công bố lời hòa bình làm dứt tuyệt những mối bất hòa của các sắc dân; để xướng lên những lời bác ái hầu làm cho các giai cấp đang kình chống nhau hiểu rằng cả thảy đều là một và thực hiện sự hiệp nhứt, sự hòa bình, đức bác ái. Không giống như sự “hiệp nhứt, hòa bình, bác ái” mà ngày nay người ta còn thấy trong những chi phái nhỏ nhen một lòng một dạ vì một chủ nghĩa, một Đạo; mà là một cuộc hiệp tâm, hiệp trí gồm cả các sắc dân, liên hiệp nhau và nâng tinh thần của chư quốc và của tất cả các tôn giáo lên cao.

GIÁO LÝ: Đấng Chưởng giáo tân thời đại này, tức là Đức Cao Đài, là đấng Chúa tể Càn Khôn hiện lại lần thứ ba. Đối với một nhơn loại mà trình độ đã lên cao thì Đức Cao Đài không cần hiện ra một cách hữu hình cho nhơn loại thấy. Ngài chỉ giao tiếp với nhơn loại bằng cách giáng cơ.

Nhờ Ngài, người đời mới biết do đâu mình sinh ra, mình sẽ đi về đâu, tại sao mình sanh ra ở cõi trần này, tại sao mình phải đau đớn trong một thời gian và mình đặng thấy luật công bình của tạo hóa bủa khắp đâu đâu. Nhờ đó, người đời mới hiểu rằng linh hồn người vẫn tiến hóa trải qua muôn ngàn kiếp rất cần ích cho sự ấy.

Người đời hiểu rõ rằng: các linh hồn đồng ở một gốc mà ra, phát sanh đồng đẳng nhau hết, tất cả đều có sức tiến hóa giống nhau do theo sự tự do chủ định của mình.

Người đời biết rằng: các linh hồn là đồng thể chất, chỉ khác nhau ở sự tiến hóa; các linh hồn vẫn do số thiên định giống nhau và sau rồi sẽ cùng chung đi đến một mục đích.

Người đời biết rằng: không có kẻ nào Trời ghét, cũng không có kẻ nào Trời thương hơn kẻ khác; Trời không có sanh kẻ này ra để được sung sướng, hưởng phước mọi bề và kẻ kia bị tai nạn và đau đớn luôn luôn. Người đời biết rằng điều lệ tấn hóa của mình là ở trong các lời này: Hãy yêu đấng Chúa tể Càn Khôn trên vạn vật và yêu người đồng chủng như mình; tất cả luật Trời là đó, tất cả các đấng Tiên tri là đó, không có luật Trời và các đấng Tiên tri nào nữa.

Cái chỗ làm cho đạo Cao Đài được tốt đẹp, mở mẻ và đặc sắc là: Đấng Chúa tể vô hình mà vẫn hiện diện; đối với người đời là một đấng dìu dắt, dạy bảo khuyên lơn, nung chí, an ủi người trong những cơn khảo đảo.

Đức Cao Đài có dạy cho cả thảy rằng: “Các con hãy đến cùng Thầy, Thầy sẽ an ủi các con, Thầy sẽ tạo cho các con một đời sống êm ái hơn và những cơ khảo đảo của các con sẽ được dễ chịu hơn. Thầy sẽ dùng điển quang của Thầy rọi đường tâm tối, quanh co của các con đi. Các con nào đau đớn, khổ não được Thầy ban cho hy vọng; các con nào tầm chơn lý quang minh, các con nào nghi kỵ và chán nản. Thầy ban cho sự chứng đắc và đức tin”.

Với một ánh quang mới mẻ, Đức Cao Đài soi sáng những khoa mở trí và dạy dỗ nhơn loại; sự tín ngưỡng của đời quá vãng, khoa học, triết lý, tôn giáo. Ngài giũ bụi tro đã bao phủ lớp ngoài của các khoa học ấy để ban vào đó sự sáng rỡ, đẹp đẽ và mới mẻ.

Chúng ta hãy lóng lắng nghe những lời huyền bí tiên tri của Ơn Trên. Các lời ấy đem lại cho chúng ta một xuân mới của tư tưởng với những sự huyền bí của thế giới vô hình mà người đời cần phải hiểu để được sống hoàn toàn hơn, được hành động đúng đắn hơn và được thoát xác một cách xứng đáng.

Chúng ta hãy đi vào tương lai, vào đời sống nẩy nở bằng con đường vô lượng, vô biên do khoa duy tâm chấn hưng và cao khiết đã mở rộng cho ta.





0 Bình luận