NGƯỜI ĐẠO ĐỨC

Giáo hữu Trần Cư tại Trung Hưng Bửu tòa trong khóa tu Tứ Tượng

NGƯỜI ĐẠO ĐỨC

 Trần Cư

             Trong chúng ta có ai mà không ước vọng có một xã hội lý tưởng, nhưng chúng ta chỉ mơ ước để mà mơ ước thôi. Có người hướng về quá khứ để hoài vọng lại cái xã hội hoàng kim của thời “Nghiêu Thuấn “ (1), mà họ cho là không bao giờ trở lại. Có người lại tin tưởng nơi luật tiến hóa của loài người, bèn xướng lập lên những thuyết xã hội Đại đồng này nọ để mong nó sẽ thực hiện trong một ngày mai xa xăm. Nói chung, gần hết mọi người đều có cái ước vọng chung ấy.

            Ở đây tôi có một ý nghĩ: Nếu ai nấy đều có một ước vọng chung thì tại sao lại không có thể thực hiện nó được. Xã hội là do cá nhân góp tạo nên, nếu tất cả cá nhân đều là “Nghiêu, Thuấn“, thì xã hội sẽ thành ra xã hội “Nghiêu, Thuấn”, và ngược lại nếu tất cả đều là “Kiệt, Trụ” thì xã hội phải biến thành xã hội “Kiệt, Trụ“. Đấy là lẽ tự nhiên và tất nhiên. Ngay mỗi người trong chúng ta thử truy nguyên làm một con người của xã hội “Nghiêu, Thuấn”, hãy hình dung con người “Nghiêu, Thuấn” với bao nhiêu đức tính gương mẫu để cố tự rập mình theo. Vẫn biết chúng ta không thể trong một sớm, một chiều, với một ý muốn trơn mà trở thành ngay con người của “Nghiêu, Thuấn” được, mà phải có một công phu bền bỉ đầy nghị lực, kiên nhẫn, biết cố gắng luôn với một trí cầu tiến không ngừng, mới hòng tiến một trình độ nào làm con người của “xã hội Nghiêu, Thuấn”, nhưng với kỳ vọng chân thành, chúng ta 

sẽ đạt nguyện. 

            Chúng ta cần hiểu rằng: để biến cái mình thành con người gương mẫu không cần phải ai ai cũng là người có thạc học, ai ai cũng sang giàu. Trong cái “xã hội Nghiêu Thuấn” người ta chỉ đòi hỏi những tấm lòng vị tha, đạo đức, bác ái, sốt sắng vì người mưu ích, cầu lợi... tâm hồn mở rộng lớn đón tiếp mọi điều hay lẽ phải. 

            Chúng ta hãy tưởng tượng ra một xã hội trong đó mọi người đều thân ái nhau như ruột thịt, biết lấy hạnh phúc của nhau làm trọng, biết vui với lẽ phải, sống với cái an lạc trong tinh thần, thì dù trong xã hội ấy không có những nhà máy chọc trời hay những dinh thự nguy nga đi nữa, chúng ta cũng có thể cho đấy là một xã hội lý tưởng được. 

            Và ngược lại, trong một xã hội mà ai ai cũng mang một tâm địa thù hằn lẫn nhau, người người đều vị kỷ thì dù đời sống vật chất của từng cá nhân một, có sung túc đến đâu, xã hội ấy cũng chỉ là một xã hội thối nát thôi, không đáng làm mồi cho sự mơ ước của chúng ta tý nào. 

            Vài ý kiến trên đủ chứng tỏ rằng: muốn sống một xã hội lý tưởng không phải là một vấn đề không thể thực hiện, vì cái “yếu tố quyết định để tạo nên cái xã hội ấy là một yếu tố tinh thần, tức là yếu tố của đạo đức của con người thuộc về phần chủ quan của con “người”. Có kẻ bảo rằng, phải cần có điều kiện khách quan trước đã, như tổ chức kinh tế phát đạt chẳng hạn thì cái xã hội lý tưởng mới mong thực hiện. Theo tôi, đây là một ngộ điểm do sự nhận hiểu một chiều theo câu “vật chất quyết định tinh thần”. Ở đây, chúng tôi không phải quá dở, quá ngu xuẩn để nghĩ rằng: tinh thần quyết định vật chất, nhưng chúng tôi dám quyết rằng: “trên phương diện người, vật chất và tinh thần cùng tác động lẫn nhau”, nhờ vậy mà loài người mới có tiến hóa không ngừng. Vẫn biết vấn đề kinh tế là một vấn đề trọng đại đối với đời sống con người, nó quyết định rất nhiều đến sự thịnh suy của xã hội hạnh phúc của con người. Nhưng nếu bỏ ra ngoài yếu tố đạo đức, thì đời sống xã hội không sao tránh khỏi được những sự tranh giành quyền lợi để giết hại lẫn nhau. 

            Chúng ta đã không từng thấy rằng: Có người sống hạnh phúc trong một túp lều tranh với một đời sống giản dị vừa đủ làm để vừa đủ ăn và lại có người cứ thấy thiếu thốn mãi khi ở trong điện nguy nga với bao nhiêu quyến rũ, của vật chất đó ư ? Ở đây tôi không có ý phủ nhận sự tiến bộ của khoa học, nhưng tôi chỉ nói: Khoa học chỉ cần để bổ túc để tạo ra phương tiện thôi, cho đời sống vật chất của con người, nhưng “cái yếu tố chính để gây dựng hạnh phúc  cho con người, để cải tạo xã hội vốn là một yếu tố tinh-thần. Một Nhan Hồi có thể có một nhân sinh quan phóng khoáng hơn một Rockfeller, ai dám chắc rằng nhà triệu phú này có cái sống đầy đủ hơn, có hạnh phúc hơn nhà hiền triết kia. Trong cảnh sống giản dị, chỉ cần ăn cơm lức, uống nước lã, người nho sĩ thời xưa đã tự lấy làm an lạc nhiều. Với một tinh thần an nhiên tự tại, con người có cần chi phải ở cho được nhà cao rộng, phải ăn cho được món cao lương mới gọi là sống, được hạnh phúc. Nếu bảo rằng con người trong công việc nhu cầu hạnh phúc của mình, phải tạo cho được đối tượng trên, tức là có đời sống vật chất như một triệu phú gia Mỹ quốc thì người ta hẵn phải chà đạp lên nhau, chém giết nhau để giành giựt cho được. Không có thể như thế được “Con người chỉ có thể tìm thấy cái hạnh phúc của mình trong đời sống tinh thần của mình thôi”. 

            Đã lâu rồi, con người đã đánh rơi cái xã hội tính cố hữu để chỉ biết sống vì cái cá nhân vị kỷ của mình; đã có nhiều kẻ thầm lặng tán đồng cái thuyết mạnh được yếu thua mà không đếm xỉa gì đến tình nhân loại đến công lý.

            Có kẻ bảo rằng: con người đương tiến hoá. Vâng, xét về mặt tổ chức xã hội thì có thể gọi là tiến bộ đấy. Vì ngày xưa đâu có những guồng máy chính trị có hệ thống chặt chẽ như bây giờ và trên vài phương diện, con người nhờ có khoa học đã vươn đến những mực sống cao đẹp thật đấy, sự hiểu biết về vũ trụ có mở rộng thêm thực đấy, và sự tự do cá nhân có nơi được khai phóng thật đấy, nhưng nhìn chung, chúng tôi vẫn cảm thấy nó thiếu thốn một cái gì. Cái câu hỏi “Con người trong các xã hội văn minh hiện đại có thâu đoạt được hạnh phúc của họ chưa”, vẫn chưa tìm được một giải đáp nào thỏa mãn cả. Nhìn sâu vào trong nội giới sinh hoạt trong những xã hội mà người ta mệnh danh là văn minh ấy, con người phần đông đều mang một tâm địa ích kỷ, thù hằn lẫn nhau, “đa số nếu không là hầu hết, sống với một lòng ham muốn không bờ, nên có đầy đủ bao nhiêu cũng vẫn tự thấy thiếu thốn mãi. Cá nhân người ở đây hầu chỉ biết tôn sùng quyền lợi, tình thương giữa người và người ngày một vơi cạn để nhường chỗ cho những tình cảm cơ giới, vô nhân. Thật ra cái chữ tiến hoá mà người ta đã đem gán cho những xã hội người như vừa nói, quả thật chưa xác với cái nghĩa chính của nó tý nào”.

            Chúng ta đâu có đòi hỏi nơi con người những hiểu biết đầy đủ về khoa học, những hưởng thụ dồi dào về đời sống vật chất mà chỉ mong muốn rằng con người phải có “nhân tình” có lòng bác ái, và những đức tính cần thiết để xứng đáng là một “con người thật người thôi”. Sự hiểu biết về khoa học chẳng qua là một phương tiện giúp cho người biết điều hoà lý trí với tình cảm, dùng lý trí để hướng dẫn tình cảm”.

            Chúng ta trở về với cái hiện tại, hẳn đồng ý nhìn nhận rằng xã hội chúng ta đương sống đây, chứa đầy một bầu không khí khó thở “không phải do nơi bom, đạn, mà là do nơi nhân tâm”. 

            Để cải tạo lại xã hội, để đem lại cho con người một nghĩa sống chính đáng, tất nhiên phải hoán cải tư tưởng, tâm hồn con người trước hết, nói một cách khác, phải đào tạo lại “những con người ra người” hay đúng hơn là những con người mới.

            Chữ mới ở đây có nghĩa là một cái gì nguyên vẹn tinh sạch đối chọi lại với cái nghĩa cũ kỹ, hư hỏng, thối nát, đồng thời nó còn có nghĩa là “thay đổi để thuận nhịp theo luật tiến hoá chung”, có thay cũ đổi mới, con người mới có tiến bộ. 

            Chúng ta cũng không nên quá chấp danh từ của chữ “mới” mà “cần hiểu nó với một nghĩa tương đối. Thật ra, một cái gì có giá trị vĩnh viễn và tuyệt đối tất không bao giờ được gọi là cũ hay mới”. Vì đã có mới tất có ngày bị cũ đi để nhường chỗ cho cái mới khác. “Với con người giàu tình nhân loại, ai nỡ đem nghĩa cũ mới mà phân định giá trị bao giờ”. Con người của Jésus hay Phật Thích Ca dù có trải qua bao muôn nghìn đời sau cũng vẫn là ngọn đuốc sáng của nhân loại. Vậy con người mà chúng ta cố muốn cải hoá đây cũng chỉ lấy gương mấy bực trên làm chuẩn đích, thì cái “con người mới” nói đây không có nghĩa với những con người có một tư tưởng, một tâm thức khác hẳn với những con người gương mẫu đã có từ nghìn xưa”. Có hiểu như vậy, chúng ta mới có một nhận định đúng giá trị con người với cái nhân bản mới của nó. 

            “Con người mới” nói đây xét ra cho kỷ không phải là con người trong không tưởng. Nếu mỗi người chúng ta có một tin tưởng ở tương lai nhân loại, có ít nhiều nghị lực và chí cầu tiến, thì có thể một ngày kia biến cải mình thành một con người gương mẫu được. 

            Theo lời Mạnh Tử: Nghiêu Thuấn là người, chúng ta cũng là người, nếu chúng ta suy nghĩ điều suy nghĩ của Nghiêu Thuấn, hành động cái hành động của Nghiêu, Thuấn thì chúng ta cũng sẽ là Nghiêu Thuấn không khó. Đúng vậy, nhưng tôi xin thêm rằng: “Miễn là chúng ta có thiện chí nhiệt thành muốn trở nên Nghiêu, Thuấn”. 

Trần Cư

            (1) Vẫn biết thời đại Nghiêu Thuấn dưới con mắt nho sĩ đã được lý tưởng hóa rất nhiều nhưng chúng ta cũng không nên vì thế mà không lấy làm thời đại thái bình được. 

(Bài đăng trong Nguyệt san Nhân Sinh số  1 ra ngày 15.9.1954)

0 Bình luận