Ý kiến thư thân gởi Quý Đạo Hữu các Chi phái Đạo Cao Đài

 Ý kiến thư thân gởi Quý Đạo Hữu 

các Chi phái Đạo Cao Đài

Của THANH LONG


Quý Đạo hữu thân mến 

Đọc ý kiến thư này, một số quý đạo hữu ở phương xa hoặc bên kia lằn mức không khỏi phải ngạc nhiên. 

Vì hồi tháng 7 năm 1945, sau ngày đại hội 11 chi phái Đạo tại Thánh Thất Minh Tân thành lập “Cơ quan Cao Đài Hiệp Nhứt”, tôi cùng đạo huynh Phan Thanh được ủy nhiệm giữ ban Truyền giáo, và riêng tôi đại diện phụ trách Trung Bắc Việt. 

Đến tháng 8 năm ấy, có tin đồn tôi bị giết tại tỉnh Quảng Ngãi và thời gian sau, một vài nơi khác lại có tin đồn tôi đã phiêu bạc nước ngoài. 

Do các tin đồn ấy trong mấy năm qua, một số quý đạo hữu ngoài Trung cũng như trong Nam đã tỏ tình thân mến đối với tôi, nơi thì cầu nguyện cho tôi được bình an, và lại có nơi thì cầu siêu cho tôi được siêu rỗi! 

Trái với các tin đồn, ngày nay tôi vẫn còn sống và vẫn đương đeo đuổi với bao nhiêu công việc mà mười mấy năm qua tôi cùng quý đạo hữu, chúng ta đã từng cộng ưu cộng lạc! 

Tôi rất cảm động khi được nghe biết tấm lòng ưu ái vô biên của quý đạo hữu đối với tôi làm cho tôi lúc nào cũng cảm thấy lo âu nghĩ ngợi! Nghĩ đến bước tiến của chúng ta ngày mai, đường đứng trước một bầu trời mênh mang không bờ bến, nghĩ đến tiền đồ của nền Đạo, còn phải vượt qua bao làn sóng gió gồ ghề. 

Niềm ưu ái ấy, nỗi lo nghĩ miên man ấy mãi cứ nhắc nhở tôi, giục thúc tôi, nhưng tôi biết làm gì bây giờ? Và dù có làm gì thì một mình tôi hay là một nhóm người như tôi cũng chưa đủ làm nên được? Huống công cuộc xây dựng nền Đạo, một vấn đề trọng đại, càng cần phải được sự chân thành hợp sức của quý anh chị lớn cùng toàn thể quý đạo hữu. 

Tôi làm gì bây giờ nữa? Viết ý kiến thư này để tỏ lòng cảm ơn quý đạo hữu đã có rất nhiều thiện cảm đối với tôi, điều ấy chắc quý bạn không cần. Và nếu bảo: để trình bày ra đây một kế hoạch toàn thiện mỹ, thì điều ấy tôi lại không dám đại ngôn. Tôi chỉ muốn nói đây là một nỗi lòng tha thiết với những tiếng gào thét thê lương để gọi bạn, của một con chiên đứng trước một đàn chiên đương tản lạc, hoặc nói một cách thật thà hơn, thì đây là một ý kiến của tôi dâng đến quý đạo hữu, mong để góp phần cùng quý bạn trong công cuộc vận động thống nhứt mối đạo Trời.

Mục đích ý kiến thư này chỉ có thế, và danh nghĩa của nó đến với quý đạo hữu cũng chỉ có thế, nhưng khi đọc đến, nếu có bạn nào bảo: “Đây là một lối quyến rũ để lôi kéo tín đồ về phe tôi, phái đạo Trung Việt” thì xin quý đạo hữu đứng lên cãi chính hộ cho tôi, vì bảo như thế chẳng những không đúng với sự thật, còn tỏ ra bạn ấy không hiểu được công việc làm của chúng tôi một tý nào cả. 

Tôi không muốn dài dòng, nhưng đây phải nói sự thực để chúng minh cho lời nói tôi, nên cần phải nhắc lại một vài dĩ vãng. 

Năm 1935, chúng tôi một nhóm người không chi phái, xuất thân từ các chi phái, vâng theo Thánh ý Đức Chí Tôn ra Trung Bắc truyền Đạo. Chúng tôi tự nhận sứ mệnh thiêng liêng của mình là đem giáo pháp chân chính của Đức Cao Đài truyền đạt lại cho mọi người, chúng tôi không đặt ra chi phái, không lập Hội thánh, không nhận lãnh Thiên Phong, không tôn xưng chức sắc, về kinh, luật, pháp, thì giữ đúng theo chơn truyền lúc ban sơ Đức Cao Đài đến sáng lập. 

Một bằng cớ hiển nhiên nữa, năm 1938, để tỏ tình thân ái, và đoàn kết các chi phái Đạo trong Nam: PHÁI MINH CHƠN ĐẠO, quý anh lớn Trần Đạo Quang, Cao Triều Phát, PHÁI TIÊN THIÊN, quý anh lớn Lê Kim Tỵ, Nguyễn Thế Hiển, Nguyễn Bửu Tài, KHỐI LIÊN HÒA quý anh lớn Nguyễn Phan Long, Trần Văn Quế, PHÁI BAN CHỈNH ĐẠO anh lớn Phối sư Phùng Văn Thới .v.v.. đã đến bằng cách trực tiếp hoặc gián tiếp giúp đỡ chúng tôi tạo lập Thánh thất Trung Thành để làm trụ sở trung ương Truyền giáo Trung Bắc Việt. 

Năm 1946, khói lửa chiến tranh cháy bừng cả miền Nam nước Việt, tại Hà Nội chúng tôi cùng anh lớn Phối sư Phùng Văn Thới giữ chức Ngoại viện Trưởng của Phái Ban Chỉnh Đạo Bến Tre, đã nhân danh Cơ quan Truyền giáo cùng đứng ra chất vấn Quốc Hội và chánh phủ Hồ Chí Minh và đã được Quốc Hội và Chánh phủ ấy ủy nhiệm ông Tôn Đức Thắng, chủ tịch Quốc Hội, trịnh trọng tuyên bố nhìn nhận Tôn giáo Cao Đài chúng ta về mọi phương diện cũng như tất cả các Tôn giáo khác đã có trên đất nước Việt Nam. 

Như thế sự thực đã chứng minh cho Cơ quan Truyền giáo chúng tôi hẵn không phải là một chi phái, trái lại chính là Cơ quan môi giới liên giao giữa các chi phái Đạo thì cái danh từ “Phái Đạo Trung Việt” kia đã tự nó bất thành vấn đề.

Hoặc có bạn nào bảo đây là một luận điệu tuyên truyền khéo léo để lôi kéo tín đồ vào một tổ chức chính trị nào đó? Thì xin quý Đạo hữu đứng lên cãi chính hộ cho tôi, vì bảo như thế lại càng không đúng hơn nữa và tỏ ra ông bạn ấy quá võ đoán, xin bạn hãy vô tư xem xét lại việc làm của chúng tôi, và gần đây chúng tôi đã phát họa đại khái trên bản Tuyên ngôn. Nếu bạn vẫn còn không tin, mãi cứ nghi ngờ chúng tôi bí mật làm chánh trị, thì vâng, tôi không dám cãi nữa để làm phật ý bạn vì nếu lời nói lẫn việc làm của chúng tôi như thế chưa đủ để bạn tin, hoặc như thế cũng có thể gọi là chánh trị được, thì đây là quyền tự do hiểu, tự do tin của bạn. 

Hoặc còn có bạn nào bảo: ý kiến thư này không đủ hiệu lực để cho quý đạo hữu ta tin theo, vì lẽ không phải ý kiến của một vị đại thiên phong chức sắc, một lãnh tụ chi phái, hoặc một nhân vật có uy quyền xã hội hiện kim! ... Vâng, thì điều này tôi đã trình bày trên kia, đây xin nhắc lại chỉ là một ý kiến! ý kiến của tôi, của một đạo hữu, Tôi nào dám kỳ vọng ý kiến của tôi sẽ được quý đạo hữu nghe theo, tôi nào dám đòi hỏi ý kiến của tôi sẽ được quý đạo hữu làm theo. Tôi chỉ ước ao quý đạo hữu sẽ không phụ lòng tôi, sẽ nghe hết lời nói của tôi, sẽ đọc hết ý kiến thư tôi, và đem ý kiến ấy ra bàn bạc để tìm lấy một phương pháp thích hợp “Phụng Sự Đạo Trời, Phục Vụ Nhân Sinh”..... 

Như thế, tôi thấy sung sướng lắm rồi, sung sướng bởi tiếng gọi đàn của tôi, không đến phải thất vọng, như người ngông kia gào thét trước sa mạc, hao hơi rát cổ, không thu về được một vang âm, hay như nhà hiền triết Hy Lạp DIOGÈNE đốt đèn đi tìm người tri kỷ rốt cuộc chỉ thấy mình với bóng mình !!.. 

Bây giờ không còn ai nghi ngờ nữa, không có điều chi thắc mắc nữa, tôi xin khởi sự trình bày ý kiến tôi với đầu đề: 

“THỐNG NHỨT VÀ XÂY DỰNG” 

Thưa quý Đạo hữu. 

Thống nhứt và xây dựng, không phải một sáng kiến của tôi, mà chính ý niệm ấy, tất cả người tín đồ chúng ta ai cũng có, và không phải một danh từ ngày nay mới khai sinh mà chính nó đã phát sinh từ bao giờ, trên 20 năm trời qua quý anh lớn chúng ta đã từng nêu lên, hô hào cổ vũ và lắm lúc cũng đã vận dụng thi hành, nào lập hội nhân sinh tại Tòa thánh Tây Ninh, lập Liên hòa Tổng hội tại thánh thất Cầu kho Saigon, lập hội Công Đồng Tôn giáo tại Giồng Bốm Bắc liêu, lập cơ quan Cao Đài Hiệp Nhứt tại Minh Tân Vĩnh Hội, (Saigon) và gần đây Cơ quan Qui Nhứt, Ban điều động Cao Đài thống nhứt cũng vẫn đương tiếp tục hoạt động.

Như thế, chúng ta nhận thấy suốt cả thời gian qua, vấn đề thống nhứt cũng vẫn được đề cao, nguyện vọng thống nhứt, một nguyện vọng thiết thực lúc nào chúng ta cũng hoài bão. Trừ ra một thiểu số người vì thành kiến bản ngã, vì mộng lãnh tụ óc địa phương mới có thái độ trù trừ, đứng ngoại cuộc phê bình, hoặc đợi cơ bút vận chuyển, hoặc vô tình có những hành động phản lại nguyện vọng ấy!

Ngày nay thế giới nhân loại đương đứng trước một mối hăm dọa nặng nề của chiến tranh nguyên tử và riêng về địa phương xứ ta, cũng đương đặt trước một tình trạng vô cùng phức tạp, nào Tôn giáo, chính trị, đảng phái, tổ chức nào cũng chia ba xẻ bảy tranh nhau hoạt động tứ tung, làm cho chúng ta bồi hồi tưởng lại những nỗi đau thương thống thiết mà một số đạo hữu chúng ta vô cớ đã phải hy sinh hồi năm 1945 tại tỉnh Quảng Ngãi và làm cho chúng ta càng băn khoăn nghĩ ngợi đến ngày mai, còn có cái gì xảy ra nữa. 

Trước tình trạng ấy, trước nguyện vọng thiết tha ấy, chúng ta nhận thấy vấn đề thống nhất ngày nay càng khẩn thiết hơn nữa, và người tín đồ chân chính chúng ta, có bổn phận phải hô to lên: 

- Chỉ có một tinh thần trên hết: “THỐNG NHỨT”. 

- Chỉ có một việc làm trước hết: “THỐNG NHỨT”. 

Có thống nhứt mới đúng Thánh ý của đức Chí Tôn và tôn chỉ “Vạn giáo nhất lý” của Ngài. 

Có thống nhứt mới có một sức mạnh đủ để tự vệ và để xây dựng một cái gì trong công cuộc phụng sự nhân loại. 

Có thống nhứt mới có một hành động duy nhứt giữa thanh thiên bạch nhựt, để rồi trước lịch sử nhân loại, chúng ta không chịu trách nhiệm những cái gì trái với tôn chỉ: “Thuần túy tôn giáo đạo đức”, “phục vụ xã hội nhân sinh” của chúng ta.

Vấn đề thống nhất quan trọng dường ấy, thiết thực thế ấy, nhưng thử đặt ra đường lối thống nhứt bằng cách nào? Chắc quý đạo hữu sẽ cho là một việc làm hết sức gay go. Vâng, tôi cũng đồng ý như vậy, nhưng không phải tuyệt đối không làm được! 

Bây giờ đi ngay vào thực tế, trước tôi xin nêu ra hai vấn đề: 

1. Tại sao đạo trời bị chia rẽ ? 

2. Tại sao không hợp nhứt được? 

Và tôi sẽ xin trình bày ra sau đây một đường lối cũng như một phương pháp độc nhứt để đưa toàn thể tín đồ chúng ta trở về với một giáo hội duy nhứt. 

Đây khởi sự xin trình bày vấn đề thứ nhất

I. Tại sao Đạo Trời bị chia rẽ ? 

Một vấn đề hết sức phiền phức, bởi các nguyên do phát sinh ra sự chia rẽ ấy rất phức tạp, mãi tới ngày nay trong giới tín đồ chúng ta mỗi phái người vẫn có một sự nhận điều khác nhau, đại khái như: 

Phái A, thì nhận điều mối chia rẽ ấy do thiên cơ hoặc nói là thánh ý. Phái này bảo: Dưới thời Pháp thuộc vấn đề quần tụ, tập hội vô cùng khó khăn, chẳng những bị ngăn cản, cấm đoán còn có thể bị đàn áp giải tán nữa là khác! Ở vào thời ấy ví mà đạo Trời tổ hợp thành một Hội thánh duy nhất, tỏ ra một khối mạnh mẽ thì chưa chắc gì đã vững yên được!

Một lẽ nữa, chia rẽ nhau nhưng có nghĩa là phân công, sự phân công ấy bằng cớ hiển nhiên là làm cho các chi phái đua nhau hoằng dương chánh giáo, phổ độ nhân sinh cho kịp cơ mạt pháp tận thế. Huống nữa chúng sinh vô lượng, trình độ căn trí lại khác nhau, nếu Đại đạo không có nhiều pháp môn thì làm sao tận độ được? Vì thế cơ trời mới khiến cho có sự chia rẽ chi phái!

Phái B, lại nhận hiểu sự chia rẽ ấy khởi đoạn từ sự bất đồng ý kiến lúc ban sơ giữa quý anh lớn lãnh đạo. Mối bất đồng ấy không phải vì quyền lợi địa vị, vì chính quý anh lớn lãnh đạo là những bậc tiền bối giác ngộ, đã dám hy sinh cả đời mình để phụng sự chính nghĩa Thượng Đế đã thực hành câu “xả phú cầu bần, xả thân hành đạo thì còn quyền vị gì nữa? Mà chính mối bất bình kia xảy ra lại vì quan điểm xây dựng.

Trong lúc đại đạo sơ khai, chung quanh Thánh thể đức Chí Tôn biết bao sự khảo đảo khuấy phá của chước quỷ vương làm cho điêu linh đồi bại, không xây dựng được Hội thánh! Ứng phó với hoàn cảnh ấy, quý anh lớn lãnh đạo chúng ta mỗi người nhận hiểu sự xây dựng Hội thánh bằng một cách khác nhau, vì sự khác nhau ấy sinh ra ý kiến bất đồng, vì những sự bất đồng ấy lần lần đưa đến sự chia rẽ. 

Phái C, lại nhận hiểu sự chia rẽ ấy một phần phát sinh từ những nguyên nhân tuy gián tiếp mà rất sâu xa!

Nguyên nhân ấy từ những ảnh hưởng của hoàn cảnh xã hội, nhứt là xã hội phong kiến, nông nghiệp đã đẻ ra một dòng tư tưởng tập truyền đào tạo ung đúc con người có một ý niệm nặng về cá nhân, gia đình, hương đảng hơn là đại chúng xã hội.

Ý niệm ấy đã câu thúc con người trong một phạm vi chật hẹp và trưởng thành cho họ những cố tật: Chủ quan địa phương, lãnh tụ. 

Nguyên nhân ấy cũng từ sự lệ thuộc dưới chính sách thống trị, lúc nào cùng chủ trương chia rẽ, bất cứ một tổ chức nào có phương ngại đến chính sách ấy tất có cách khéo léo chi phối nội bộ làm cho lủng củng đến nghi ngờ, nghịch lẫn nhau, rồi lần đi sâu đến sự phân tán. Hai nguyên nhân vừa kể cũng chính là động cơ của sự chia rẽ.

Nói tóm lại, các nguyên nhân làm cho đạo trời phải chia rẽ thì tôi cũng đồng ý như quý đạo hữu, mặc dầu sự nhận hiểu giữa chúng ta có phần khác nhau, nhưng cứ bình tâm khảo sát lại thì vẫn đồng một mục đích. Vì tất cả chúng ta đều công nhận sự chia rẽ ấy chỉ là phương tiện! 

Vì hoàn cảnh bắt buộc phải chia rẽ! vì muốn cho cơ đạo chóng hoằng khai mà phải chia rẽ! Vì sự nhận hiểu lầm đến phải chia rẽ! Như thế, chia rẽ chỉ là tạm bợ, mà mục đích chính của chúng ta thì lúc nào cũng tư tư thiết thiết mong đát đến cái ngày hiệp nhứt, được cùng sống chung trong một đại gia đình, cùng thở chung trong một bầu không khí nhẹ nhàng thơm tho mùi đạo đức! 

Thưa quý đạo hữu, tất cả người tín đồ chúng ta đã cùng có một ý nghĩ tốt đẹp, một sự mong mõi thiết tha thế ấy, thì tại sao trót 30 năm trời nay chi phái vẫn còn chi phái? Phải chăng lại cũng vì những nguyên nhân làm cho ngăn cản sự hiệp nhứt, như tôi sẽ trình bày sau đây.

II. Vấn đề thứ hai:

Tại sao đạo Trời không hiệp nhứt được ?

Vấn đề này chắc quý đạo hữu chúng ta phần đông ai cũng hiểu biết, mặc dầu sự hiểu biết không được cụ thể như trên kia các nguyên nhân làm cho chia rẽ quý đạo hữu đã nhận thấy rồi, thì đây các nguyên nhân làm cho không hiệp nhứt được, một phần lớn vẫn liên hệ với các nguyên nhân làm cho chia rẽ trên kia và thêm vào nữa một vài nguyền nhân chính cần vạch rõ

1) Sự lạm dụng cơ bút 

Cơ bút, một vấn đề tối nhiệm mầu và cũng tối hệ trọng, tôi sẽ xin trình bày trong một số báo khác. Ở đây, tôi chỉ nói quyền năng của cơ bút là một mệnh lệnh tối cao tuyệt đối đến cả đức Giáo tông cũng phải đến Hiệp thiên đài để thông công cùng tam thập lục thiện và nhờ cơ bút tiếp xúc với đấng Thượng Đế cầu Ngài dạy đạo. 

Cơ bút trong hệ dường ấy, thế mà lâu nay vẫn bị lạm dụng! Tôi xin mạn phép nói là lạm dụng, vì nhận thấy nhiều nhà tư cũng có được tổ chức cơ bút, nhiều tư nhân cầu hỏi họa phước kiết hung, trừ tà trị bệnh cũng được dùng đến cơ bút!

Cơ bút bị dùng không đúng chỗ, lại những phần tử chấp cơ phần nhiều không đủ thanh khiết, trí óc kém thông minh, tất bao nhiêu tà kiến tham vọng của điển hậu thiên và tạp khí chung quanh, lấp mất cả sự huyền linh thiêng liêng của cơ bút, mới gây nên nhiều đàn cơ, nhiều thánh lịnh mâu thuẫn lẫn nhau, làm cho lòng tin tưởng của tín đồ sinh ra hoang mang, và trở ngại rất nhiều cho cơ hiệp nhứt!

2) Vì ảnh hưởng chính trị 

Đại đạo ra đời năm 1926 đến nay, một thời gian liên miên bị ngăn cấm khủng bố, các thánh thất hầu hết bị đóng cửa, các cấp lãnh đạo bị tù đày, người tín đồ làng này với làng kia cũng không mấy khi dám gặp gỡ nhau! 

Trước tình trạng ấy, công cuộc truyền giáo phải lui về địa hạt bí mật và mỗi địa phương tùy ý hoạt động, vì thế vô tình mà mỗi nơi có những tổ chức riêng khác nhau; vì thế mà giữa các chi phái thiếu sự gặp gỡ thân mật để cùng trao đổi ý kiến; vì thế mà giữa những người tín đồ cũng thiếu mọi tổ chức sinh hoạt chung để cùng giúp đỡ lẫn nhau, làm cho nhau thông cảm nỗi lòng ưu ái thiết tha vì Thầy vì Đạо. 

Bao sự riêng rẽ, sự hoạt động địa phương đều do ảnh hưởng chính trị gây nên ấy, làm cho tất cả người tín đồ chúng ta xa nhau, không hiểu nhau đến nhờ vực nhau, đó là những tai hại lớn lao làm cho Đại đạo không sớm hiệp nhứt được.

3) Vì vấn đề thiên phong chức sắc 

Luật pháp của Đại đạo đã ấn định sự tổ chức Hội thánh gồm có một số thiên phong chức sắc nhất định: 1 Đức Giáo tông, 3 vị Chưởng pháp, 3 vị Đầu sư, 36 vị Phối sư, 72 vị Giáo sư, 3.000 vị Giáo hữu v.... Chức sắc Hiệp Thiên đài thì có một cơ quan riêng. 

Ngày nay các chi phái đạo, những phái lớn thì phái nào cũng có đủ số chức sắc kể trên, trừ một đức Giáo tông ra. Như vậy, ví thử Đại đạo thống nhứt thì các chi phải ai chịu bỏ tên mình, các vị thiện phong chức sắc ai giữ nguyên chức, ai chịu bỏ chức đi?

Vẫn biết người tu hành ai cũng chán ghét danh lợi tước quyền, nhưng ở đây không hẳn, bỏ đi đành có kẻ luyến tiếc, nhưng cũng có người lại sợ lỗi lầm vì thiêng liêng đã ban cho? Vì thế mà vấn đề thiêng phong chức sắc cũng là một lý do làm trở ngại việc thống nhất Đại Đạo.

Thưa quý Đạo hữu.

Các nguyên nhân làm cho Đạo Trời chia rẽ, và các nguyên nhân làm cho Đạo Trời không hiệp nhứt được, tôi vừa trình bày. Sự trình bày ở đây tôi không đảm bảo là đầy đủ, vì thật tình. Thưa bạn, tôi chỉ nói đại khái thôi, không hề dám đi sâu vào chi tiết, vì nói ra tưởng cũng là cực chẳng đã. Mục đích muốn xây dựng, chứ không cố ý xuyên tạc để chỉ trích nhau, và tiếp đây tôi xin trình bày ý kiến của tôi mà trên kia tôi đã mệnh danh gọi là “Phương pháp THỐNG NHỨT ĐẠI ĐẠO”.

Thưa quý Đạo hữu. 

Thống nhứt không phải một việc làm cẩu thả mà được, nay mai mà thành, không phải ông A đứng ở phái mình kêu gọi ông B đem cả môn đệ phái ông đến nghe mình chỉ giáo, gọi là hiệp nhứt. Và trái lại, cũng không phải ông B ở phái mình hợp thầy trò lại tự xưng tự tổ chức thành một thể thức “Hội Thánh” rồi cho mời ông C, ông D, ông F, và tất cả môn đệ các phải ông đến qui thuận với mình gọi là thống nhứt! Thống nhứt như thế chẳng những không thành công, trái lại càng kêu gọi thống nhứt càng nảy thêm mầm chia rẽ, huống nữa, những đứa con chi phái ngày nay đã trưởng thành và mỗi người đã có một gia đình riêng, một nguồn sinh hoạt riêng, những gia đình ấy trải qua bị màu sắc thời gian đã trang sức trở nên những hình tướng sai biệt khác nhau, muốn cho những gia đình ấy cũng trở về chung sống với Đấng Từ Phụ để cho cha con sum hiệp, gia tộc đoàn viên, thì cũng phải mất nhiều ngày giờ thu xếp, và để cho tình huynh đệ thêm thân mật, nhất là hiểu biết nhau.

Thế nên công cuộc vận động thống nhứt Đại Đao còn phải trải qua nhiều ngày giờ mà theo ý tôi thì chỉ có 3 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhứt: Liên Hiệp. 

Giai đoạn thứ hai: Hiệp Nhứt.

Giai đoạn thứ ba: Thống Nhứt. 

Để thực hành 3 giai đoạn ấy, trước hết phải do một cơ quan vận động thống nhứt, cơ quan ấy, lấy tên là gì cũng được, miễn là cái tên ấy cụ thể được danh nghĩa và hành động của một cơ quan.

Cơ quan vận động ấy phải do một nhóm người không thuộc chi phái, thuần túy tôn giáo đạo đức, được uy tín với các chi phái nhân sanh, đại diện cho nguyện vọng tín đồ chúng ta đứng ra khởi xướng và như vậy có thể nói là “cơ quan của tín đồ” và người tín đồ chúng ta có bổn phận phải ủng hộ. 

Cơ quan vận động ra đời mục đích và hành động phải rõ rệt, nhất là cơ quan vận động không phải một chi phái, không tổ chức theo thể thức Hội Thánh không phân biệt chức sắc hoặc không chức sắc, điều kiện thành lập cơ quan căn cứ ở sự tín nhiệm đề cử và đa số tán thành.

Cơ quan vận động thống nhứt tuyệt đối không làm chánh trị, không thiên lệch chi phái, cá nhân, tích cực vận động liên hiệp thống nhứt Đại Đạo từng giai đoạn. 

Giai đoạn thứ nhứt: Liên hiệp 

Sứ mệnh của giai đoạn liên hiệp là cơ quan vận động thống nhứt đặt viên gạch đầu tiên gây uy tín giữa các chi phái, hoạt động giải thích đánh tan mọi nỗi nghi ngờ thắc mắc từ trước. Vạch rõ những tai hại đã xảy ra vì nạn chia rẽ và bao hiểm họa sẽ đến nếu không hiệp nhứt được, để cho các chi phái nhận hiểu sự liên hiệp thống nhứt là cần thiết, là trách nhiệm chung. Nêu rõ đường lối thống nhứt hiện tại chỉ liên hiệp về mặt tinh thần; Về hình thức, tổ chức nghi lễ, thì phái nào giữ nguyên phái ấy, cơ quan vận động không hề đụng chạm đến nội bộ chi phái. 

Yêu cầu các chi phái Đạo ban hành đạo lịnh mới, chấm dứt tất cả tình trạng dĩ vãng, gây lại một bầu không khí điều hòa giữa chi phái, khích lệ một phần anh chị em tín đồ chưa nhận định, đề cao tình “thương yêu đoàn kết”, hô hào triệt để giúp đỡ nhau. Ví dụ: 

Một địa phương có 2 thánh thất gần nhau, một thánh thất thuộc phái Chỉnh Đạo, một thánh thất thuộc phái Tiên Thiên, đã đành thánh thất phái nào tuân hành theo Hội Thánh phái ấy, nhưng ở địa phương, người tín đồ chúng ta vẫn luôn luôn tư trợ lẫn nhau. 

Lập một tiểu ban ấn hành báo chí sách vở, phần NỘI CHÍNH giải thích điều hòa và hướng dẫn anh chị em tín đồ nhất trí, Phần NGOẠI TRUYỀN làm cho nhân dân trong nước cũng như khắp thế giới hiểu rõ giáo nghĩa chân chính, và phương pháp xuất thế nhập thánh siêu phàm; nhập thế phục vụ xã hội nhân sinh của Đại Đạo. 

Giai đoạn thứ hai: Hiệp Nhứt

Giai đoạn liên hiệp trải qua, các chi phái đã nhận hiểu đường lối và sự hệ trọng của vấn đề thống nhứt. Sứ mệnh của giai đoạn thứ hai là cơ quan vận động tiến hành mời các chi phái và kêu gọi các phần tử nhiệt tâm vì tiền đồ Đại Đạo, chính thức cử đại biểu tham gia vào cơ quan để tích cực tăng gia các hoạt động, làm cho tinh thần thống nhứt phổ biến khắp mọi nơi, cho mỗi người tín đồ chúng ta đều nhận thấy công cuộc thống nhứt Đại Đạo là chức vụ thiêng liêng của mình, và chính mình mới là chủ lực của công cuộc thống nhứt vẻ vang tương lai ấy. 

Đại biểu chi phái đã chính thức tham gia, tức là giai đoạn hiệp nhứt đã chính thức thực hiện, và từ đây cơ quan vận động thống nhứt cũng đã chính thức hóa là cơ quan đại diện của chi phái, như thế, nội bộ chi phái cũng bắt đầu đem ra nghiên cứu kỹ lưỡng những điểm dị đồng để tìm một lối điều hòa chung dọn đường cho công cuộc thống nhứt. 

Nghiên cứu tổ chức khắp nơi những lớp huấn luyện tốc thành công cộng kêu gọi thanh niên ưu tú các chi phái tham dự, cấp tốc đào luyện những thanh niên ấy trở thành những “giáo viên Truyền giáo”. Đặt kế hoạch để phân phối các giáo viên ấy đến tận mỗi địa phương (Thánh thất) tiếp tục mở các lớp huấn luyện tốc thành nói trên để đại chúng hóa tinh thần thống nhất và phát động phong trào “Xây dựng Đạo”. 

Nghiên cứu chỉnh đốn các kinh luật nghi lễ để tạm thời áp dụng thi hành trong các chi phái cho khỏi trái nhau dọn đường cho công cuộc thống nhứt. 

Giai đoạn thứ ba: Thống nhứt 

Sứ mệnh của giai đoạn Thống nhứt dự trù và xúc tiến triệu tập Đại hội Vạn linh.

Ấn định địa điểm triệu tập Đại hội Vạn linh và thể thức khai hội. 

Ấn định thành phần đại biểu dự hội: lấy Thánh thất làm đơn vị, lấy tỷ số tín đồ hạn định công cử đại biểu. Ví dụ: một trăm tín đồ được cử 1 đại biểu thì thánh thất có 500 tín đồ tất nhiên có được 5 đại biểu.

Cơ quan vận động Thống nhứt (tức cơ quan đại diện chi phái, chính thức triệu tập “Đại hội Vạn linh“...

Trong thời gian triệu tập và khai hội, cơ quan vận động vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình, xử lý văn phòng cho đến ngày đại hội vạn linh bế mạc, cơ quan vận động cáo chung và sẽ giải tán, nhường lại cho Đại hội vạn linh thành lập “HỘI THÁNH DUY NHẤT”.

Thưa Quí Đạo Hữu. 

Đọc xong chương trình vận động thống nhứt của tôi, chắc quí đạo hữu không khỏi phàn nàn vì sự trình bày của tôi không khéo léo, đường lối thống nhứt chia ra nhiều giai đoạn, làm cho phiền phức khó hiểu. 

Vâng, xin lỗi bạn, tôi vẫn biết thế, tôi cũng muốn trình bày cho rõ ràng hơn, nhưng vẫn không được. Trên kia tôi đã thưa bạn “Nói ra là cực chẳng đã” .... Tôi vẫn muốn thu gọn đường lối thống nhứt lại, nhưng vẫn không được, như trên kia tôi đã thưa bạn: Nếu không chịu mất nhiều thời gian, chia nhiều giai đoạn thì làm sao phổ biến thấm nhuần tinh thần ý chí thống nhứt đến tận mỗi tầng lớp tín đồ? Mà người tín đồ chúng ta chưa nhận thức thì làm sao thực hiện một cuộc thống nhứt cho thỏa mãn được? Vì thế đường lối thống nhứt tôi vừa thuyết trình chủ đích là vận động để đưa “Đại Hội Vạn Linh” ra đời, nhờ Đại hội Vạn linh quyết định tiền đồ của Đại Đạo.

Tôi đinh ninh rằng: Chỉ có Đại hội Vạn linh mới đủ điều kiện thống nhứt Đại Đạo, nếu không phải huyền linh của Thượng Đế! 

Đức Chí Tôn dạy: Quyền vạn linh có thể thay thế quyền THẦY..... 

Điều ấy thật là đúng lắm.

Quý đạo hữu trách tôi sao đề nghị lập ra cơ quan vận động cho thêm nhiều tổ chức phiền phức ?

Vâng, thưa đạo hữu, tôi vẫn biết thế, tôi cũng chán ngán cho việc lập cơ quan này cơ quan khác, nhưng bạn thử nghĩ, nếu nhà ai nấy ở, chùa ai nấy tu, không có một cơ quan trung gian vận động thì ai làm môi giới cho công cuộc gặp gỡ thống nhứt?.

Quý đạo hữu trách tôi, tại sao cả chương trình thống nhứt lại không có một khoảng bàn về Hiệp thiên đài.

Vâng, thưa bạn, tôi cũng biết thế, nhưng tôi đã nói Hiệp thiên đài là cơ quan tối nhiệm mầu và trọng hệ ít ra phải một cơ quan Hội thánh chính thức mới đáng có cơ quan Hiệp thiên đài. Huống nữa, hiện nay các chi phái đạo, phái thì dùng cơ bút, phái thì không, như vậy, nêu vấn đề Hiệp thiên đài lên trong giai đoạn này e có phần trở ngại ?

Thưa quí Đạo hữu. 

Những điều khiển trách của quí bạn tôi đã đồng ý rồi, và xin nhận các khuyết điểm tất nhiên không tránh được ấy, nhưng tôi nhận thấy không khỏi còn có một ít đạo hữu sẽ không tán thành ý kiến và đường lối thống nhứt của tôi, quý đạo hữu ấy sẽ chế diễu: “Hô hào thống nhứt lúc này là không hợp thời, không hiểu biết Thiên cơ và công cuộc thống nhất Đại Đạo ấy là việc của Trời, phải đợi ý Trời sắp đặt”.. 

Vâng, thưa đạo hữu, những điều bạn vừa bảo, tối thú thật là không hiểu biết, bởi cái nghĩa của 2 chữ “hợp thời” nó mênh mông làm sao ấy, đã thế, hai chữ thiên cơ lại càng mịt mù trời đất!

Thế nào là hợp thời? 

Thế nào là thiên cơ? và bao giờ mới hợp thời, và bao giờ mới đúng thiên cơ? phải chăng bạn nhận định lúc này còn là giai đoạn chia rẽ, và chia rẽ mới hợp thời mới đúng thiên cơ!!

Nếu thật thế, thì bạn cũng phải công nhiên hô hào chia rẽ, vì lẽ đời không tiến đằng này thì phải tiến đằng khác, đứng yên là thoái hoá, là phản với “luật động” của trời đất.

Bạn lại bảo công cuộc thống nhứt đại đạo là công việc của Trời, phải đợi Trời sắp đặt? Nếu hẳn thế thì lại cả một vấn đề mâu thuẫn, vì bao năm qua cũng như bao lần rồi, các đấng thiêng liêng Phật, Thánh đã gào kêu thống nhứt, như vậy chẳng hoá ra các đấng thiêng liêng ấy còn không hiểu ý Trời sao? Tất không ai dám nghĩ thế! hơn nữa, nếu quả thật việc trần gian của người gây ra đều đợi Trời sắp đặt, thì người đời cứ tha hồ gây gỗ nhau, tha hồ chia rẽ nhau, tha hồ thù oán chém giết nhau, rồi Trời sẽ sắp đặt lại là hết, thì hà tất Chúa cứu thế phải đến trần gian để chịu trăn mình trên Thập tự, Đức Cao Đài phải đến trần gian để lập đạo Tam Kỳ!

Thưa quí Đạo hữu 

Tất cả sự trình bày của tôi ở ý kiến thư nầy mục đích hướng về vấn đề Thống nhứt và xây dựng thống nhứt các chi phái Đạo về một mối, xây dựng một Giáo Hội duy nhất tương lai là điều thiết tha mong ước của tôi và cũng là của tất cả quý đạo hữu. Chỉ có thế, thì sự trình bày trên đây nếu có điều nào khuyết điểm hoặc xúc phạm đến ý kiến riêng của quý đạo hữu, xin bạn cũng hoan hỷ cho.

Để kết luận bức thư, xin quý đạo hữu hãy cùng tôi lặng im 10 phút để tưởng nhớ lại các bậc tiền bối khai đạo quá cố là những bậc đàn anh kính mến của chúng ta! 

Quý đạo hữu là bổn đạo phái “Chiếu Minh”, bạn đã thấy và nghe đức Ngô Đại Tiên nói và làm những gì, trong những ngày ở Tịnh Xá?

Bạn là đạo hữu Tòa Thánh, bạn đã thấy và nghe đức Quyền Giáo Tông nói và làm những gì trong mấy tiếng đồng hồ ở nhà lao.

Đạo hữu là bổn đạo phái “Bến tre “ bạn đã thấy và nghe Anh Cả nói và làm những gì trong thời gian 9 năm trời ở nhà tu?

Đạo hữu là bổn đạo phái “Tiên Thiên”, bạn đã thấy và nghe quý anh lớn: Lê Kim Tỵ, Nguyễn Thế Hiển, Phan Văn Tòng đã nói và làm những gì ở các trại tù Ly Hy, Phú Bài và Côn lôn?

Đạo hữu là bổn đạo phái “Minh Chơn Đạo”, bạn đã thấy và nghe anh lớn Ngọc chương pháp Trần Đạo Quang đã nói và làm những gì suốt cả đời ngài? 

Đạo hữu là bổn đạo Trung Bắc, bạn đã thấy và nghe anh lớn Huỳnh Ngọc Trác, Trần Nguyên Chất đã nói và làm những gì ở huyện Nghĩa Hành tỉnh Quảng Ngãi năm 1945 và ở nhà lao Tiên Hội tỉnh Quảng Nam năm 1950? Và ....

Phải chăng quý Anh Lớn chúng ta chỉ căn dặn chúng ta một câu mà Thánh Khổng Tử đã dạy và Gia Các quân sư đã chép ở lời Xuất sư biểu:

“Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ”. Nghĩa là: suốt đời đeo đuổi chết rồi mới thôi. 

Câu nói ấy, chính quý Anh Lớn ta đã thực hành, và căn dặn chúng ta dốc lòng vì đạo, dù gặp phải thiên ma bách chiết vẫn một lòng tranh đấu không ngừng, để làm cho:

- Chính nghĩa Đại Đạo được sáng tỏ

- Lý tưởng Đại Đạo được thực hiện. Mà thực hành được điều ấy, phải thống nhứt trước đã.

Nhân loại trường tồn, 

Đại Đạo bất diệt, 

Thân ái chào quý đạo hữu .

THANH LONG

(Bài đăng trong Nguyệt san Nhân Sinh số 2,3,4 ra ngày 15/11/1954 và 15/12/1954)

0 Bình luận