Quốc Luyện
Một trong các đặc tính
căn bản của Đạo Cao Đài là tính cách tôn giáo đại đồng. Theo giáo thuyết “vạn
giáo nhất lý”, thì hết thảy tôn giáo đều đại cương có phần giống nhau, chỉ sai
khác về chi tiết, nghĩa là đại đồng mà tiểu dị.
Nhưng tôn giáo đại đồng
cũng còn có nghĩa là tôn giáo chung cho hết thảy loài người, dù thuộc màu da
sắc tóc hay tín ngưỡng riêng biệt nào, vì đạo Cao Đài là tôn giáo cộng đồng của
hết thảy mọi người có tín ngưỡng, tôn trọng thần linh.
Đạo Cao Đài còn là tôn
giáo đại đồng vì mục đích mưu cầu hạnh phúc giải thoát tập thể toàn nhân loại,
vì mục đích thực hiện sự dung hòa hiệp nhứt tối cao toàn thể trào lưu tư tưởng
tinh thần của nhân loại để đạt chơn lý tuyệt đích và hạnh phúc sinh tồn vô
biên.
Trong ba ý nghĩa kể
trên, quan trọng nhất là ý nghĩa tôn giáo đại đồng mà tiểu dị, hai ý nghĩa sau
coi như là diễn kết tất nhiên.
I. TIỂU DỊ – Trên thế gian này đã không thể có hai vật hoàn toàn
giống nhau thì về tôn giáo cũng vậy, nếu nói sai khác thì tôn giáo nào cũng
không giống tôn giáo nào cả. Thực vậy, còn lẫn lộn làm sao được nhà sư đạo Phật
với vị linh mục đạo Thiên Chúa, cách thức lễ bái đạo Hồi với các lễ bái đạo Tin
Lành, nhà thờ đạo Bà la môn với Văn miếu Đức Khổng Tử được.
Hình thức các tôn giáo
mỗi mỗi sai khác, cách thức sinh hoạt tu hành, cùng tuyệt nhiên không giống
nhau. Không nói chung các tôn giáo mà ngay trong nội bộ mỗi tôn giáo, các chi
các phái cũng không hề giống nhau, đạo Cơ Đốc chính truyền và đạo Tin Lành còn
khác nhau hơn là Đại thừa và Tiểu thừa Phật giáo.
Cứ quan điểm này, càng
đi sâu vào giáo lý mỗi tôn giáo, sự sai khác càng như chồng chất thêm lên.
Đạo Gia Tô thờ Đấng Chúa
Trời có 3 ngôi, đạo Hồi lại thờ Đức Chúa Trời độc tôn thuần nhất. Đạo Gia Tô,
đạo Do Thái, đạo Hồi và đạo Nho thờ một đấng tối linh duy nhất, còn Ấn độ giáo
thờ chung 3 vị tối linh Brahma, Civa và Vishnou. Có đạo thờ Đấng Tối cao có
nhơn tướng (Đạo Thiên Chúa, đạo Hồi, đạo Do Thái), có đạo thờ đấng tối linh như
một nguyên lý siêu hình (đạo Phật, đạo Lão). Về vũ trụ vạn vật, đạo Phật cũng
như Đạo Hồi cho rằng vũ trụ pháp giới là vô thủy vô chung, thành trụ hoại không,
vĩnh tục bất đoạn bất tức, trái lại Đạo Thiên Chúa cho rằng vũ trụ sinh ra do ý
chí của Đức Chúa Trời và cõi đời này sinh ra chỉ có một lần không hai, lần này
đều tận thế là hết.
Về nhân sinh, đối với
Đạo Thiên Chúa hay đạo Hồi, người là vật sáng tạo tuyệt đích của tạo hóa nên
cây cỏ thú cầm đều để phụng dưỡng sinh hoạt loài người. Trên trái đất độc nhất
vô nhị trung tâm của vũ trụ này, người là quan trọng bực nhất, tất cả sự biến
dịch trong trời đất này đều do ở hành vi thiện ác của người chi phối cả. Lịch
sử loài người sẽ chấm dứt với sự tận thế nên từ nay đến đó, mọi người cần nắm
lấy cơ hội độc nhất hy hữu hiện nay để tin tưởng hầu giải thoát linh hồn vĩnh
viễn.
Trái lại, đạo Phật, đạo
Bà la môn và đạo Lão cho rằng loài người sinh ra từ vô thủy kiếp lai, và nếu
không tu để siêu rỗi linh hồn thì còn luân hồi bất tận. Vạn vật cây cỏ thú cầm
cũng có phần thiêng liêng tiến hóa nên người và trái lại người hay đúng hơn
linh hồn cũng có thể trở lại đầu thai làm thú cầm cây cỏ. Linh hồn người chết
vì vậy không phải nhất định có hình tướng người như Đạo Thiên Chúa hay Đạo Hồi
tin tưởng mà chỉ là một khối vô hình vi diệu do luật cảm ứng hay nghiệp quả tạo
nên.
Xét như vậy thì các tôn
giáo rõ ràng có sai khác nhau, song thử hỏi do đâu có những sự sai khác ấy?
Đạo Cao Đài giải thích:
Ngày xưa thiếu sự giao thông đi lại, loài người ở cách biệt lẻ loi, các vị giáo
chủ hạ phàm phải tùy phong tục tính tình dân chúng địa phương mà tùy cơ thuyết
pháp lập đạo.
Vậy trước hết, phong tục
tính tình của mỗi dân tộc đã làm cho tôn giáo có màu sắc riêng biệt. Các tôn
giáo ra đời không phải xuất hiện từ không trung xuống, mà phải căn cứ ở hoàn
cảnh xã hội, điều kiện nhân tâm địa phương vị giáo chủ mà phôi thai phát triển.
.
Trước khi đức Jesus ra
đời chứng minh sự hằng có của Đức Chúa Trời thì 2.000 năm trước có ông Abraham
và hơn 1.000 năm trước ông Moise đều đã dạy sự tin tưởng nơi Đức Chúa Trời rồi,
“đức Chúa Trời của Abraham, Isaac và Jacob”. Cùng phát sinh trên giải đất Cận
Đông, đạo Cơ Đốc cũng như đạo Hồi đều mang dấu vết bao sự tích, bao truyền
thống vì bao tục lệ của Do Thái. Quan niệm Đức chúa Trời nhất đán từ hư vô tạo
nên trời đất chính đã có sẵn từ trước khi Đức Jesus hay đức Mahomet truyền dạy
vậy. Quỉ Satan lúc đầu cũng là một thiên thần chuyên xem xét việc thiện ác của
người dưới quyền Chúa Trời, song do ảnh hưởng thuyết thiện ác lưỡng lập của đạo
Ba Tư mà trong Tân Ước Satan trở nên chúa quỉ nghịch với Chúa Trời. Đạo Hồi
cũng chịu ảnh hưởng của đạo Ba Tư cổ mà nói về sự chết ô uế đặt tục lệ tháng
chay Ramadan v v... và chịu ảnh hưởng Đạo Thiên Chúa về thuyết Chúa Trời độc
nhất, thuyết ngày tận thế phán đoán đại đồng, thuyết người chết sẽ sống lại để
chịu sự thưởng phạt v.v...
Cũng như Đạo Bà la môn
và Đạo Phật rất có nhiều điểm tương tự vì cùng phát sinh ở Ấn Độ. Đạo Bà la môn
xuất hiện tối cổ, trên vài ngàn năm trước Tây lịch. Thuyết luân hồi nghiệp quả
đã có trong Đạo Bà la môn từ lâu, trước khi Phật giáo ra đời. Cũng từ lâu,
trước khi Phật Thích Ca nói đến bản ngã thanh tịnh chân như của pháp giới như
nguồn gốc thiêng liêng vạn vật thì đạo Bà la môn đã nói đến đại hồn vũ trụ rồi.
Rất nhiều cách thức tu hành theo đạo Phật vốn đã có từ trước trong đạo Bà la
môn rồi.
Đạo Khổng cũng như đạo
Lão cũng chịu ảnh hưởng rất nhiều của tư tưởng phong tục cổ của Trung Hoa từ
trên 3.000 năm trước.
Thuyết Thiên (Thượng Đế)
là chúa tể sinh ra thế gian, thuyết điều hòa hành động của người cho hợp lẽ trời
trong Khổng giáo cũng như thuyết Đạo là nguồn gốc tối cao mọi sự vật, thuyết
nhơn thân và vũ trụ đồng nhất trong Lão giáo đều vốn có sẵn từ đời Phục Hy về
trước.
Cụ thể hơn, kinh sách
Phật thường nói đến sông Hằng hà và cây bồ đề, kinh sách đạo Gia Tô thường nói
đến các xứ ở Cận Đông, sách Nho thường nói việc nước Trung Hoa, kinh đạo Hồi
bằng tiếng Ả Rập, kinh đạo Phật bằng tiếng Ấn Độ, kinh Đạo Gia Tô bằng tiếng
Hebreu hay bằng tiếng La Tinh chứng tỏ rõ rệt mỗi tôn giáo chịu ảnh hưởng điều
kiện địa phương vậy.
Các tôn giáo cũng tùy
đặc tính mỗi dân tộc mà sai khác. Bản tính huyền bí và nhân bản của người Do
Thái đã khiến đạo Gia tô có đặc tính huyền bí thần quyền. Bản tính triết lý của
người Ấn Độ đã làm cho đạo Bà la môn cũng như đạo Phật không quan niệm một đấng
Chúa Trời có hình tướng người. Do bản tính thực tiễn của người Trung Hoa, Đạo
Khổng cũng như Đạo Lão không có tính cách huyền bí như các tôn giáo khác.
Lại còn một lý do sai
khác giữa các tôn giáo nữa, ấy là trình độ tiến hóa của mỗi dân tộc mà các đấng
giáo chủ đến dạy đạo.
Trong kinh thánh đạo
Thiên chúa thường dùng hình ảnh người chăn chiên và bầy con chiên để hình dung
mối liên lạc giữa Đức Chúa Trời và con dân ngài, chứng tỏ rằng tôn giáo này đã
phát sanh ở một bộ lạc còn sống đời du mục (theo Léonard Wolley). Đạo Khổng
cũng như Đạo Lão thấm nhuần tư tưởng điều hòa thời tiết, vũ trụ vận hành, vì
người Trung Hoa lúc ấy đã từ lâu tiến đến trình độ canh tác nông nghiệp. Ấn Độ
giáo thờ bò cái là vết tích của thời bộ lạc thờ các con vật thánh (Totem) vậy.
Những nguyên nhân phong
tục, tánh tình, trình độ tiến hóa từng địa phương đã kể trên đã giải thích sự
sai khác giữa các tôn giáo. Nếu sự sai dị giữa người này với người kia không
phải tuyệt đối, trái lại mọi người dù ở đâu, thuộc trình độ nào, giai cấp nào
cũng đều có một căn bản nhân loại như nhau, thì ta cũng có thể suy luận rằng sự
sai khác giữa các tôn giáo như đã kể trên không có tính cách tuyệt đối mà các
tôn giáo vẫn có một căn bản giống nhau. Những khuynh hướng giống nhau rộng lớn
sâu xa hơn các điểm sai khác.
II. Tôn giáo đại đồng – Các đấng giáo chủ xuống trần lập đạo phải
tùy hoàn cảnh trình độ căn cơ của dân chúng mỗi nơi mà tùy cơ lập giáo. Hình
tướng, pháp môn và giáo nghĩa vì vậy mà sai khác, nhưng dụng ý cứu cánh cùng
yếu lý vẫn đại cương tương đồng.
Ở căn bản, tất cả các
tôn giáo đều cùng một quan niệm rằng cõi đời không phải là một sự hỗn độn vô
nghĩa, trái lại thế gian vũ trụ là một vật toàn thể có điều hòa trật tự, trong
đó mọi vật, muôn loài đều có liên quan mật thiết với nhau và đều cùng chịu một
sự chi phối chung. Các tôn giáo đều nhìn nhận rằng trong vạn pháp hiện hữu, có
một bản thể siêu nhiên trí phàm không thấu triệt được, song vẫn có thể truy đạt
được bằng đường lối đặc biệt. Vì vậy, từ ngàn xưa các tôn giáo đều tìm cách
giải đáp những bí hiểm lớn lao đã khiến muôn vàn triết nhân lao tâm tiêu tứ tìm
hiểu. Các tôn giáo đều cố gắng đem lại câu trả lời cho các vấn đề sau này:
Nguồn gốc và cơ cấu của
vũ trụ như thế nào? Tại sao có loài người và con người chết sẽ ra sao? Thực thể
của lương tâm và đạo đức là thế nào? Cái gì định đoạt vận mạng con người và
nhân loại?
Nhưng các tôn giáo không
chỉ đem lại sự giải thích vũ trụ và cho biết tại sao lại có như thế, sự có hiện
thời như thế nào và nguyên lý của mọi sự vật ở đâu mà ra, các tôn giáo còn có
những mục đích thực tế, tôn giáo muốn đem lại sự thỏa mãn cho ham muốn và đòi
hỏi của lòng người, tôn giáo muốn đem lại sự giải phóng cởi mở cho người bằng
cách đem người ra khỏi sông mê bể khổ.
Con người quá yếu hèn
đối với vũ trụ vạn vật, Sợ hãi các oai lực thiên nhiên và không hiểu thấu các
oai lực ấy, loài người sinh ra cầu khẩn tin tưởng và tự hỏi mình có làm điều gì
trái thiên lý, nghịch thiên điều chăng? Cũng nhờ vạn vật để sống, loài người
thành kính và tri ân đối với vũ trụ, tìm cách điều hòa sự sống của mình với
thiên lý trời đất. Tôn giáo không chỉ phát sinh vì bản tính loài người muốn
thuận theo thiên nhiên để sống một cuộc đời tốt đẹp hạnh phúc hơn, tôn giáo còn
đem lại sự thỏa mãn cho nhu cầu tâm hồn loài người, vì người ta ai cũng cảm
thấy tha thiết cần thờ kính một cái gì mà vì một lý do nào, được coi như vượt
trên thực tại cõi đời, một cái gì như đáng lo sợ như quá cao siêu vĩ đại. Các
vị giáo chủ tài đức vô biên đã vượt cõi sống tầm thường mà sống một cuộc đời
như bao la huyền diệu khác xa cõi sống thế gian nên càng cho loài người thấy rõ
có một sự phân biệt giữa hai thế giới siêu hình và hữu hình, lý tưởng và thực
tại. Tất cả các tôn giáo đều cùng để thoả mãn cái mà Goethe gọi là “năng khiếu
tôn thờ” (Veine d'adoration) của mọi người.
Một điểm đặc sắc tương
đồng giữa các giáo lý nữa là các tôn giáo đều khiến con người đem tầm con mắt
ngó ra thời gian ngắn ngủi của kiếp người. Nhờ tôn giáo, con người xem tuồng
thiên diễn man mác vô biên để nhận thấy đời người thật quá mỏng manh ngắn ngủi.
Nhìn xa thấy rộng, nhìn quá khứ bao kiếp qua và tương lai bao kiếp đến, con
người mới dễ nhận định hướng đi và đường đi. Đạo Hồi và Đạo Gia Tô tin rằng thế
gian vũ trụ sinh ra theo một kế hoạch thiêng liêng, và theo kế hoạch ấy, thế
giới sẽ đi đến ngày tận cùng, không sớm thì muộn. Các tôn giáo đông phương thì
dạy rằng vũ trụ có những qui luật điều hòa mà cá nhân phải tìm cách hòa đồng.
Nhưng con người không
chỉ cần biết rằng người là một phần tử bất biến của vũ trụ pháp giới. Con người
còn tin rằng chết không phải là hết, người ta sau khi chết vẫn còn có linh hồn
sống mãi. Người ta tin ở linh hồn bất diệt và cũng tin ở sự thưởng thiện phạt
ác ở thiên đường địa ngục hay trong kiếp đầu thai khác.
Các Tôn giáo đều phát
hiện với những hiện hình (miracle) lạ lùng càng chứng tỏ bên trong và bên trên
thế giới hữu hình còn có những thần lực siêu hình thiên biến vạn hóa nhiệm mầu
vô biên. Những phép lạ chữa bệnh, khiến người chết sống lại, người mù được sáng
mắt, những tiên tri tiên ngôn, v..v. cho ta thấy tôn giáo là một phương pháp để
đạt thấu nhiệm mầu. Ngoài những phép lạ bên ngoài ấy còn có những phép lạ bên
trong chỉ riêng các bậc thánh thiện mới thấu đạt, nhờ đó mà Phật đã hoát nhiên
đại ngộ, trông thấy biết suốt tam giới và muôn vạn kiếp về trước cũng như về
sau, nhờ thần thông tuệ nhãn mà nhận định rõ chân tướng của vũ trụ và bản thể
pháp giới, tức là đạt được chân lý siêu nhiên.
Các tôn giáo lại còn có
một mối tương đồng quan hệ nữa, ấy là yếu tố đạo đức, căn bản của các tôn giáo
thượng đẳng, nên Kant có nói rằng: “Quan hệ nhứt là đạo đức. Đó là yếu tố
thiêng liêng bất khả xâm phạm cần phải bảo vệ, và đó cũng là lý do mục đích của
tất cả mọi công phu truy tầm triết lý của chúng ta cả đến quan niệm tôn giáo về
Thượng Đế và thế giới siêu hình cũng trở thành vô bổ nếu không liên hệ đến đạo
đức”.
Tất cả các tôn giáo đều
có nguồn gốc chung nơi lương tâm đạo đức. Đạo Bà la môn, đạo Phật, đạo Khổng,
Đạo Lão, Đạo Thiên Chúa và Đạo Hồi tuy khác nhau nhiều điểm về giáo nghĩa và có
những cách thức lễ bái sai khác, song đều công nhận rằng vọng ngữ, gian dối,
trộm cắp, hoang dâm và sát nhân đều là tội lỗi cả và người thì cần phải ăn ở
theo đạo lý cần lấy giáo lý, qui điều làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi hành vi
thiện ác ở đời.
Tuy trình độ đạo đức có
khác nhau, như đạo Thiên Chúa hay đạo Hồi dạy phải yêu thương kẻ thù địch, trái
lại nhiều Tôn giáo chỉ dạy nên lấy ân báo ân, lấy oán báo oán, song các Tôn
giáo đều cùng dạy người giữ lấy tâm hồn thanh cao, tính tình thuần khiết.
Những nhận định trên cho
ta thấy rõ rằng các Tôn giáo hình như ở trong một khuôn mẫu chung giống nhau,
trong mỗi khuôn mẫu, mỗi tôn giáo có hình thức sắc thái riêng và có những điều
đặc biệt phân cách với các phạm trù sáng tạo khác của văn hóa nhân sinh. Nhiều
yếu tố có tính cách công cộng cho nhiều tôn giáo bởi vì mặc dù những sai khác
do hoàn cảnh, thời gian hoặc đặc tính tạo ra, các điều kiện phát hiện và phát
triển tôn giáo cùng nhu cầu ước mong của tín đồ, ở đâu và thời nào, cũng không
khác nhau mấy. Sự tương đồng này càng tỏ rõ nếu ta phân tích kỹ từng yếu tố
riêng biệt. Các bằng chứng về sự có đức chúa Trời của các triết gia Ấn Độ nhận
định thật giống với các bằng chứng do các nhà thần linh học Cơ Đốc hay Đạo Hồi
nhìn nhận.
Đối với môn đồ Bà la môn
hay Cơ Đốc hay Đạo Hồi, vấn đề tìm biết, người có thể tự lực giải thoát hay cần
nhờ pháp lực ân trạch thiêng liêng giúp sức có một giá trị quan hệ như nhau.
Cũng như vấn đề tìm hiểu, người có thể ảnh hưởng phần nào đến sự giải thoát cứu
độ cho mình không, hay là hoàn toàn do Thiên ý định, mà đức tin nơi Đấng Thiêng
Liêng chỉ là ân huệ của Thiêng Liêng ban cho.
Về thần bí, cũng có
nhiều sự giống nhau giữa các tôn giáo các dân tộc, ví dụ lễ tắm thánh, lễ nhập
môn, phép nhập định và nhiều nghi lễ khác đối với người chết. Các lễ nghi long
trọng của Đạo Gia Tô cũng hầu như tương đương với các lễ nghi của Phật giáo Đại
Thừa.
Không phải rằng mỗi hiện
tượng riêng của mỗi tôn giáo tương đương với hiện tượng có ở một tôn giáo khác
trong một giai đoạn tiến triển nào đó, song đại cương thì đường lối tu tiến về
toàn thể cũng như có một, chỉ khác nhau ở điều có hiện tượng phát hiện ở đạo
này mà không thấy phát hiện ở đạo kia, tuy rằng đạo nào cũng hàm súc đủ khả
năng phát hiện hiện tượng ấy. Theo các nhận xét khắp các phương diện tôn giáo
như trên, sự đồng nhất giữa các tôn giáo thật là hiển nhiên cái sự sai khác đã
trở nên quá ít và nhỏ nhặt vậy.
III. Cộng đồng tín ngưỡng – Tính cách đại đồng giữa các tôn giáo kể
ra cũng không phải mới lạ. Chính các bậc giáo chủ từ xưa đã có khi biết nhau mà
vẫn không hề công kích nhau, trái lại cũng nhìn nhận cùng theo đuổi một cứu
cánh như nhau. Trong thánh kinh Coran, đức Mahomet coi đức chúa Jesus như bậc
thánh đã đắc đạo và mở đường giải thoát nhân loại (Koran 6, 85). Hơn nữa, đến
Mahomet còn coi người đạo Thiên Chúa như người đồng đạo thân thiết (Koran 5,
85). Đức Khổng Tử cùng một tinh thần dung hòa khi nói rằng: “Ta nghe bên Tây
phương có một vị thánh nhân ra đời (ám chỉ đức Phật)”. Sau một cuộc hội kiến
với đức Lão Tử; đức Khổng Tử nói rằng: “ta biết rằng chim có thể bay, cá có thể
lội, thú có thể chạy, song ta không thể biết con rồng bay lên trời ra sao. Ta
đã gặp đức Lão Tử. Đức Lão Tử thật như con rồng đó vậy”. Coi vậy thì ngay bản
tính các bậc giáo chủ vốn có nghịch nhau đâu.
Trong Diệu pháp Liên hoa
kinh (chương 24) Đức Phật có nói rằng đức Quan Âm Bồ Tát thường hiện thân làm Thần,
Phật, Thánh, Tiên để cứu độ giải thoát chúng sinh. Trong kinh
“Vimalakirinirdesba” có nói: “Các bậc bồ tát thường hiện thân dưới nhiều hình
tướng và thuyết pháp bằng nhiều thứ tiếng. Các bồ tát có thể làm mặt trăng,
trời, làm nước, lửa, đá, gió, làm thần Indra, thần Brahma hay làm Đức Chúa để
cứu độ chúng sinh. Vì rằng các bậc bồ tát đều cùng mục đích giác ngộ chánh đạo
cho chúng sinh, dù hình thức tín ngưỡng có khác nhau để khế hiệp căn cơ chúng
sinh”.
Chính những bậc thiện
trí trong các Tôn giáo cũng đều nhìn nhận lẽ đạo đồng nhứt và hô hào sự hiểu
biết tương thân giữa các tôn giáo. Như ông Ibnal Arabi đạo Hồi có viết trong
sách “Tarjuman-al Sshvag” rằng: “Tâm hồn tôi có thể biến đổi nhiều hình tướng,
là đồng cỏ của dê bò, là nhà tu của giáo sĩ, là đền thờ nhiều hình tượng, là
đền thánh Kaba. Tôi chỉ có một đạo là bác ái đại đồng, đó là tín ngưỡng của
tôi”. Triết gia Radhakhrishnan cũng nói rằng: “Khi đời trụy lạc vào đường vật
chất thì xuất hiện hoặc một vị thánh Krishna, hoặc một vị Phật, hoặc chúa Jesus
để cứu đời. Trong các bực ấy đã đã phá ác nghiệp dục vọng vật chất, ta đều thấy
sự phát biểu chân lý bác ái chí công của Thượng đế chí linh. Các bậc ấy chỉ cho
ta con đường chính, con đường ngay. Nếu người đạo Thiên chúa chịu nhìn nhận
rằng người ngoại đạo cũng có thể siêu thăng về với Chúa Trời bằng đường lối tôn
giáo khác thời người ngoại đạo sẵn sàng nhìn nhận đạo Thiên chúa là tôn quí
ngay”. Chính Thánh Gandhi cũng nói rằng:
“Tôi cũng là đồ đệ của đức Phật, đức Jesus, đức Mahonet, vì các vị ấy đều cùng
cầu đạo chơn lý, bác ái, công bằng cả”.
Ấy thế mà xưa nay các
tôn giáo nào chịu cùng nhau tương hiệp để cứu độ toàn nhơn sanh, trái lại thường hay hiềm khích chia rẽ
nhau. Đạo nào cũng tự cho đạo mình là phải, chỉ có đạo mình mới cứu rỗi nhơn
loại đạo nào cũng cho kinh sách mình là thiêng liêng, kinh sách đạo khác vô giá
trị, thành ra giữa tôn giáo, đi xây dựng lên biết bao thành kiến chia rẽ, làm cho
nhơn sanh thêm hoang mang điên đảo, thêm thù hận oán ghét nhau, có khi vì tín
ngưỡng mà đến chém giết nhau, thật là trái tôn chỉ các đấng giáo chủ. Nếu hiểu
rằng tôn giáo chỉ là một hình thức, một cách quan niệm về siêu hình, thích nghi
theo nhơn sanh trong một khu vực nào và trong một thời đại nào nhất định thì
tiêu tan được biết bao thành kiến cố chấp chia rẽ phân biệt. Giáo lý mỗi tôn
giáo hoàn toàn có giá trị như một cổ xe (theo nhà Phật gọi là thặng) hay một
con đường. Giáo lý là sự giải thích về huyền bí siêu nhiên và sự trình bày các
kinh nghiệm giác ngộ nội tâm, nhờ đó mà tâm ấn bí truyền được truyền thụ phần
nào, nên giáo lý là sự trình bày về chân lý siêu hình dưới một hình thức tường
thuật hay giải thích bóng bảy phù hợp với trình độ trung bình mọi người. Giáo
lý chỉ là phương tiện để dạy đạo và ngộ đạo.
Người Trung Hoa có thể
vừa thờ đức Lão Tử, vừa tin đạo Phật, vừa lễ bái theo đạo Nho, người Ấn Độ có
thể vừa thờ thần Brahma bay Civa hay Phật Thích Ca, mà không từ chối bỏ đạo
riêng của mình chứng tỏ đức tin rằng các đạo ấy đều chứa đựng một phần chân lý
và đem kết nạp dung hợp lại hết thảy là những từng thứ của Chánh đạo Chánh giác
vậy.
Trong kinh Udana có
thuật chuyện rằng: Ở thành Sabelin có một ông vua phán bảo quan hầu rằng hãy tụ
họp tất cả các người vốn đui mù từ thuở sinh để lại một nơi trong thành. Xong
rồi, vua bảo đem một con voi lại, rồi bảo các người mù xúm lại rờ xem và nói
nghe hình thù voi ra sao. Có người sờ nhằm đầu voi, nói rằng voi giống như cái
bình, người sờ tai nói rằng voi giống như cái quạt, người sờ ngực nói rằng voi
giống như cái thúng, người sờ chân nói rằng voi giống như cây cột, người sờ ngà
nói rằng voi giống như khúc gỗ nhọn, người sờ đuôi nói rằng voi giống như cái
chổi. Thế rồi bọn mù cãi nhau, người nào cũng tự cho rằng voi đúng theo hình
thù mình đã sờ biết, đâm ra đánh nhau túi bụi.
Các tôn giáo kích bác
nhau chia rẽ nhau cũng không khác như thế.
Hơn nữa, cốt yếu của tôn
giáo là giải thoát bản ngã thấp hèn, để vượt lên thượng tầng thanh cao siêu
nhiên đạo đức vô biên. Đối với cứu cánh này, giáo nghĩa các tôn giáo chỉ là
phương tiện để đặt các trình độ tu chứng vào khuôn khổ một kế hoạch cầu đạt
chân lý tuyệt đối, tùy theo trình độ nhơn sanh và với phương tiện sẵn có ở thế
gian. Giáo nghĩa chỉ là hình bóng, cái mốc để ta có thể nhờ đó nhận rõ đường
lối đi đến thành đạo chơn lý, nên chỉ có giá trị tùy thời cho đến khi nào không
còn phù hợp với trào lưu tư tưởng của thời đại. Khi quan niệm, tư tưởng một
thời đại biến đổi, thì hình thức tôn giáo cũng cần biến đổi, tuy nội dung có
thể bất dịch.
Chính vì vậy mà ngày nay
Đức Cao Đài sáng lập nền tôn giáo mới để qui hiệp các tôn giáo thành một cộng
đồng tín ngưỡng. Đức Cao Đài Thượng Đế là đức Cha chung của các vị Giáo chủ
cũng như của toàn nhân loại, Đạo Cao Đài thờ tất cả các vị Giáo chủ là những
bậc đàn anh đã lãnh sứ mệnh cứu độ thế gian. Đạo Cao Đài là tôn giáo chung của
các tôn giáo. Có cộng đồng tín ngưỡng như vậy mới mong cầu đạt chơn lý toàn
diện, nhờ đó mới tận độ toàn nhơn sanh, xây dựng hạnh phú
c cực lạc đại đồng thế
gian.
Kết luận - Thành kiến cố chấp chia rẽ của các tôn giáo từ xưa
đến nay đã trở ngại sự giải thoát toàn thể nhân sinh không ít, nhất là trước ác
lực đả phá tôn giáo thần thánh càng ngày càng bành trướng, sự dung hiệp các tôn
giáo tỏ ra rất cần thiết. Với tính cách đại đồng tín ngưỡng, Đạo Cao Đài mong
mỏi các tôn giáo sớm nhìn nhau cùng một cứu cánh, một lập trường để chung tâm
hiệp sức thực hiện sự cứu rỗi cho toàn nhân loại, cùng nắm tay tiến đến đại
đồng chí thiện hạnh phúc thái hoà vô biên.
Quốc Luyện
![]() |
Từ Lâm tự (Thiền Lâm tự), Gò Kén, Tây Ninh - nơi diễn ra Lễ Khai Đạo Cao Đài 1926. |
0 Bình luận