LÒNG THÀNH ĐƯỢC CHỨNG GIÁM
NGUYỄN TRUNG HẬU
Về trước, đạo Cao Đài vốn gặp nhiều nỗi khó khăn trở ngại. Mặc dầu vậy, chư tín đồ phần nhiều vẫn kiên tâm trì chí, một lòng tin tưởng đức Chí Tôn, hoạn nạn không nao, quyết hy sinh với chủ nghĩa từ bi bác ái.
Như tại tỉnh Preyveng, làng An Bình (Miên quốc), tín đồ Cao Đài bị nhà đương cuộc trên ấy đối đãi hết sức khắt khe.
Ngày 17-7-1928, lối 10 giờ sáng, ông chủ tỉnh Preyveng ra lệnh bắt tất cả tín đồ nơi ấy giải đến ông chủ quận. Chẳng những vậy thôi, họ còn gỡ cả Thánh tượng Thiên nhãn, không cho thờ nữa. Ông quận chiều lại mới thả về, dặn qua ngày sau phải trở lại đặng ông dẫn đến hầu ông chủ tỉnh.
Anh tín đồ Lê Văn Long về nhà thì chư đạo hữu ở quanh vùng, nhất là ở làng Thường Thới (Châu đốc) hay tin đến thăm tấp nập.
Mặc dầu bị làm khó dễ, anh Long không thể bỏ qua thời cúng chiều.
Thế là cả gia quyến Long cùng chư dạo hữu hiện diện đồng quì trước Thiên bàn đọc kinh cúng như thường lệ, nhưng họ không khỏi đau lòng khi nhìn lên bửu điện thấy mất “Thiên nhãn“ là cái biểu hiệu đáng tôn đáng kính của mình.
Nhưng, huyền diệu làm sao, trước bao nhiêu lòng thành kính với một khối đức tin cứng rắn, “Thiên nhãn” bỗng nhiên xuất hiện y chỗ cũ, làm cho mọi người vừa kính phục, vừa cảm động ra nước mắt.
Cái hiện tượng phi thường ấy lu lờ lần lần cho tới khi mãn thời cũng mới biến đi.
(Trích Nguyệt san Nhân Sinh số 4 ra ngày 15.12.1954)
0 Bình luận