1. Tháng 9 năm Giáp Tuất 1934, khi tiễn Tứ Linh Đồng Tử ra Trung khởi sự thực hiện sứ mạng quyền pháp Trời ban, Đức Đông Phương đã giáng cơ ở thánh thất Đại Thanh, Gò Vấp, Gia Định và có lời tiên tri:
“Đinh Sửu Phát, Quang ra đời, (1937)
Hiển không ưng dạ có lời bất ưng.
Dần thành lập Trung Thành Thánh thất, (1938)
Là cái ngày đạo mạch lưu thông.”
Năm Mậu Dần 1938, Trung Thành Thánh thất sẽ được thành lập và đó sẽ là ngày đạo mạch lưu thông cho cơ đạo Trung Hưng.
Và lịch sử đã minh chứng lời tiên tri ấy qua sự kiện Long Vân Đệ Bát của Liên Hòa Tổng Hội đã được thực hiện trong dịp khánh thành Trung Thành Thánh thất để bắt đầu công khai mối đạo miền Trung.
2. Năm Đinh Sửu, Đức Chí Tôn đã dạy:
“Thế cuộc vần xoay khắp chuyển hoàn,
Cơ Trời ló dạng khá cần toan;
Trước khai giáo lý Trung Thành lập,
Lập đặng rồi ra Bắc thuận đường.”
Chư vị tiền bối Liên Hòa Tổng Hội đã ra Trung dự lễ và đã thực hiện việc “khai giáo lý” bằng hai ngôn ngữ Việt và Pháp mở đầu cho sự kiện “Trung Nam liên đoàn hòa hảo”.
3. Nữ phái đã có vai trò rất đáng trân trọng trong những đóng góp để tạo dựng Thánh thất Trung Thành thất nói riêng và sứ mạng Trung Hưng nói chung như lời Đức Mẹ đã dạy:
“Các con à! Đây là đến hội Long Hoa là kỳ đầu tiên của các con, cùng là tạo Trung Thành. Các con bôn ba cùng với các anh, lo tròn bổn phận của mỗi đứa.”
4. Sau khi Trung Thành Thánh thất đi vào hoạt động, có một vấn đề rất căn bản đã được Ơn Trên sớm triển khai là việc đào tạo Thanh Thiếu Niên con em nhà đạo. Ngài Bạch Phụng đã mở màn cho việc đánh thức và nâng cao ý thức tinh thần của lớp người trẻ, sẽ làm chủ ở tương lai, với bài “Hoán Tỉnh Thanh Niên Hồn” và tiếp theo sau Đức Quan Thánh Đế Quân đã đến để hướng dẫn về việc “đào tạo nhân tài” v.v..
Đọc Thánh giáo của toàn đạo Cao Đài, sẽ không là chủ quan nếu nói rằng vấn đề đào tạo thế hệ trẻ tiếp nối sự nghiệp của cha anh đã sớm được mở màn ở Trung Kỳ rồi được Ngài Cao Triều Phát triển khai “Thanh Niên Đạo Đức” ở Nam bộ trong thời kỳ kháng Pháp, mặc dầu trong nguồn Thánh giáo Minh Chơn Đạo chúng ta chưa tìm thấy những nội dung cụ thể nào dạy ta về đoàn thanh niên này. Và vào giữa thập niên 60, Đức Cao Triều đã tiếp tục sứ mạng huấn luyện Thanh Thiếu niên Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý.
Hiện nay, mô hình “Tu Tập Sinh” của Hội Thánh Truyền Giáo tại Tp.HCM là một kinh nghiệm tốt trong việc đào tạo lớp người trẻ một cách toàn diện theo tinh thần Cao Triều Phát, có đủ tri thức đạo học và tâm hạnh phụng sự cho sứ mạng truyền giáo, trong sự hợp tác giữa cơ quan Phổ Tế của Hội Thánh và Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý. Mô hình này đã được mở rộng thêm ở Đà Nẵng và hy vọng sẽ tiếp tục nhân rộng ở các nơi khác.
Có một chi tiết khá ngộ là ngày Rằm tháng bảy, đã có sự trùng khớp về thời điểm trong năm phát lệnh đào tạo thanh thiếu niên của Hội Thánh Truyền Giáo và Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý! (Rằm tháng 7 Mậu Dần 1938 và Rằm tháng 7 Bính Ngọ 1966)
5. Sau cùng, có một chi tiết tuy không trực tiếp liên quan đến sự kiện công khai mối đạo miền Trung từ Trung Thành Thánh thất nhưng lại có thể đã có tác động rất rất lớn đến việc thực hành sâu rộng Tân Pháp Cao Đài.
Ngày nay, hầu như các tín hữu chúng ta không phân biệt nguồn gốc địa phương tu học hành đạo, khi được hỏi về phương pháp tu hành của Đạo Cao Đài là gì thì ai cũng đều trả lời như nhau: là pháp môn Tam Công.
Một câu trả lời thể hiện tinh thần Đại Đồng như lời Thầy đã dạy:
“Nầy các con ôi! Rất quí báu thay, rất hân hạnh thay! Các con vâng lệnh THẦY lập Đại hội Long Vân Đệ Bát. THẦY rất vui mừng cho kỳ Đại hội được thành tựu, rất mừng cho các con được hoàn toàn phận sự. Mối Đạo nơi đây sẽ tiến hóa thêm, ngọn đuốc Đại Đồng sẽ cháy sáng thêm.(…)
Mong sao nghĩa vụ Đại Đồng các con tiến thủ mãi, mong sao lý Đạo chơn truyền các con thạnh hành mãi, thì lo chi cơ đạo đức chẳng rõ ràng, sợ gì chốn Trung Kỳ không hoằng hóa được.”
Điều Thầy nói “Mong sao nghĩa vụ Đại Đồng các con tiến thủ mãi, mong sao lý Đạo chơn truyền các con thạnh hành mãi…” có phải chăng một phần căn bản của điều này đó chính là pháp môn Tam Công?
Danh từ Tam Công hoặc nội dung chi tiết bao gồm ba mặt công quả, công trình và công phu đã bắt đầu xuất hiện vào thời điểm nào?
Qua khảo cứu tất cả mọi nguồn Thánh giáo Cao Đài, có hai đoạn Thánh giáo có nội dung ngôn từ thể hiện Tam Công. Một là nguồn Thánh giáo ở Ô Môn – Cần Thơ (có thể thuộc về Hội Thánh Tiên Thiên) và hai là từ nguồn Thánh Truyền Trung Hưng.
- Bài thơ Tam Công của Đức Trần Đoàn Lão Tổ như sau:
“Công Trình, Công Quả, Công Phu,
Ba công hội đủ đường tu vững vàng,
Công Phu, Công Quả bằng ngang,
Công Trình nếu thiếu dở dang nửa chừng
Công Phu nếu cố không ngừng,
Mà thiếu Công Quả nửa chừng sụp ngay;
Công Trình, Công Quả tuy dày,
Công Phu nếu thiếu nền này bỏ không
Thế nên hội đủ Tam Công,
Đó là yếu chỉ pháp môn Cao Đài.”
- Và đoạn Thánh giáo trong Thánh Truyền của Đức Lý Giáo Tông:
“Các hiền đem hết khả năng khuyên nhắc từ người, từ đứa, không luận trẻ thơ, người già nua hoặc nam hay nữ, bảo sao những đạo hữu kia cùng đi theo nguyên tắc của Thầy, lập cho được kỳ công là Công Phu, Công Quả, Công Trình.
1.- Công Phu là tu dưỡng thân tâm cho trong sạch, nhẹ nhàng. Không mến hồng trần, không xiển ngộ chướng ngại. Đó là nơi giao cảm với Thiên Đình.
2.- Công Quả là lập công bồi đức, bố thí, cúng dường. Đó là bửu tràng phang đưa về nơi Thiên đài cực lạc.
3.- Công Trình là xả thân hành đạo, thù tạc vãng lai gây mối cảm tình, nấu sôi lòng đạo. Đó là Công Quả lớn, phẩm vị của mình.
Vậy ba điều ấy, mỗi đạo hữu nên cầu xin gấp cùng Thầy mà mau rèn luyện cho thành tâm linh như ý pháp.”
Về nguồn gốc xuất xứ, đoạn Thánh giáo này có ngày giờ và địa điểm cụ thể là đàn ngày mùng 5 tháng 3 Đinh Hợi 1947 tại Trung Thành Thánh thất.
Như vậy, trong sự cẩn trọng chúng ta cũng có thể vui mừng cùng với toàn đạo, Thánh thất Trung Thành nói riêng và Hội Thánh Truyền Giáo nói chung, để mạnh dạn nói rằng: nội dung Tam Công của pháp môn Cao Đài đã sớm được xuất phát từ Trung Kỳ!
Hôm nay đây, chúng ta kỷ niệm 70 năm thành lập Trung Thành Thánh thất đánh dấu khởi sự cho công cuộc hoằng khai Đại Đạo ra Trung Kỳ.
Ít nhứt, chúng ta vui mừng cùng nhau nhắc lại hai nội dung giáo pháp đóng góp rất căn bản cho toàn Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ trên đường thực hiện Sứ mạng Kỳ Ba đã được xuất phát từ Trung Thành Thánh thất là: Pháp môn Tam Công và Vấn Đề Đào Tạo Thanh Thiếu Niên nguồn nhân lực truyền giáo.
Phần chú thích
Đức Đông Phương CQ, mồng 8 tháng 9 Giáp Tuất (1934) Thánh Tịnh Đại Thanh
2 Đức Chí Tôn, Thánh Tịnh Thanh Quang, 22-02-ĐĐ12 Đinh Sửu (03-04-1937)
3 Đức Mẹ, Thánh Tịnh Thanh Quang, 25-02- ĐĐ13 Mậu Dần (26-03-1938)
4 Thánh Thất Trung Thành, ngày 15-07- ĐĐ13 Mậu Dần (10-08-1938)
5 Thánh Thất Trung Thành, ngày 01-10- ĐĐ13 Mậu Dần (22-11-1938)
6 Thầy, Thánh Thất Trung Thành ngày 08-04- ĐĐ13 Mậu Dần (07-05-1938)
7 Đức Trần Đoàn Lão Tổ
8 Đức Thái Bạch, Thánh Truyền Trung Hưng 1 tr276; Tt Trung Thành 05-03-Đinh Hợi (25-04-1974)
0 Bình luận