NHỚ MÃI MỘT CHUYẾN ĐI

 NHỚ MÃI MỘT CHUYẾN ĐI

Kính nhớ về Cố Đạo Trưởng Bảo Cơ Quân Huỳnh Thanh.

Hình Tiền bối Huỳnh Thanh lúc trẻ.


Thương tặng các bác, các cô, các anh chị trong chuyến hành hương dọc Miền Trung

“Trăm nghe không bằng một thấy!”.

Tôi mơ ước được tận nhìn Tam Quan với rừng dừa thơ mộng, đẹp như những bức tranh trong sách giáo khoa ngày trước. Tôi muốn tận nhìn cho rõ Tam Quan bằng cặp mắt của chính mình, của con người Việt Nam đối với Tổ quốc trăm dấu ngàn yêu.

Ngày 23.6.Al

...Thế là chúng tôi gồm anh Tần, Bửu, Phụng, Cùng, có cô giáo Hoè đi cùng đã đến Tam Quan trên chuyến xe đò. Trưa nay Tam Quan mưa phùn rơi lất phất, cảm xúc dâng lên lóng lánh và lành lạnh như những giọt mưa ấy. Bữa cơm trong một gia đình Đạo hữu còn chút gì đó ngại ngùng, chưa hòa nhập được. Phần vì gia đình nơi đây phải nhường bữa cho chúng tôi ăn trước, phần vì bát dĩa toàn đồ kiểu sang trọng, phần vì chưa quen thân... Cái tính cách Hưng Đạo hình như chưa phát huy được lúc này. Sự quý khách của gia đình để lại lòng tôi một thực nghiệm trong sự dạy dỗ của giáo lý đạo Thầy về tình thương của con chung một Cha.

Nghỉ trưa một lát, chúng tôi tìm đến Thánh thất An Thái (TT Tây Ninh) ở gần đó. Se sẽ bước vào cổng, tôi thấy trong khi có một bác mặc áo rộng màu vàng đang quỳ cúng. Chúng tôi lắng nghe tiếng phách, tiếng kinh: “Bạt nhất thiết nghiệp chướng, căn bổn đắc sanh Tịnh Độ...”. Chúng tôi không ai bảo ai cùng quay ra chờ phía ngoài. Khi giờ cúng xong, chúng tôi bước vào, bao cặp mắt dồn lại, dường như tất cả đều đứng lên. Có cái gì đó lo sợ, ngạc nhiên... Sau khi giới thiệu chúng tôi từ Trung Hưng vào, vị đầu họ đứng dậy nói ngay:

- Con Thầy thì có khác chi phái nhưng Thầy thì không! Cám ơn các em đã ghé thăm.

Sự nhiệt tình của bác làm cho chúng tôi vui và an tâm hơn.

Chúng tôi làm lễ Thầy. Bửu điện hư hỏng nhiều, lỗ chỗ bao vết đạn, dấu tích còn lại của cuộc chiến. Phướn Thượng Sanh, Thượng Phẩm phủ đầy bụi bặm và hư nát, thiếu bàn tay sửa soạn chăm sóc. Quỳ trước Thiên nhan, lòng tôi có chút gì chua xót....

Lễ xong, chúng tôi thăm viếng quý bác, quý cô tại Thánh thất. Có một cô là Chánh Trị sự Xã đạo Long Vân ở tận Tây Ninh đang về thăm Thánh thất, gặp chúng tôi có niềm nở hỏi han, rồi cho địa chỉ để khi đến Tòa thánh ghé thăm. Không biết liệu thời gian có ai rồi còn nhớ hay không?

Giã từ Thánh thất An Thái, chúng tôi vẫn còn nghe tiếng nói vẳng sau lưng:

- Tội nghiệp mấy đứa, khi cúng chúng nó đã vào rồi mà không biết!

Theo con đường sắt, chúng tôi lại đến Châu Long Đài. Cửa cổng trước đóng kín, chúng tôi phải len ra cửa sau vào nhà bếp. Nhà Cha sao buồn quá, lòng tôi tự hỏi chúng con về sao không mở cửa đón con!

Thánh thất chỉ còn một bác Đầu họ và một cô nữ tu cư ngụ. Số đạo hữu hàng trăm người ngày xưa chỉ còn lại bốn nhà. Ban cai quản ngoài vị Đầu họ, chỉ có một thư ký, thủ bổn, hành chánh. Tất cả mọi sự trông nhờ một tay bác Đầu họ. Ruộng lúa lại không còn, miếng ăn ngày ngày cũng đã là một gánh nặng. Chúng tôi lễ Thầy xong, được bác Đầu họ kể cho nghe về những năm 1972...

...Là một Thánh thất khá lớn, đã được xây theo mô hình Trung Hưng Bửu Tòa. Khi bắt đầu khởi công, nơi này đã có sự bất nhất về địa điểm. Năm 1972, chiến tranh đã xảy ra, hai bên đã đánh nhau kịch liệt. Bom dội, pháo rơi, đạn bắn đã phá tan tành ngôi Thánh thất. Quả Càn Khôn đã vỡ ra từng mảnh vụn, người kể đau ruột thở than. Bất chợt tôi xót xa nhớ lại lời Thầy về chữ “hòa”, đó là nền móng vững chắc trong mọi sự xây dựng. Có lẽ hữu hình hữu hoại là việc đương nhiên, nhưng sao trong điêu tàn hôm nay, không sao ngăn được nỗi buồn khôn tả...

Cuộc “hành trình về phương Nam”của chúng tôi lại tiếp tục. Thế nhưng chuyến tàu Phù Cát phải sáng mai 7 giờ mới có. Thế là ngày mai phải đi xe thôi mới tới sớm được. Tiện đường lúc ấy mới là 13g30, chúng tôi kéo nhau đến Hội thánh Trung Ương (Cơ quan Thống nhất). Từ xa xa hình tượng ngôi Thánh đường với Tam đài mường tượng thấy. Chúng tôi đến nơi và cũng lại là một cảm giác "kín cổng cao tường”. Cửa trước im ỉm đóng, lại mon men tìm cửa sau mà vào.

Dấu vết của đổ nát hiển hiện ngay trước mắt chúng tôi. Những cây cột hư hỏng, vết đạn chi chít quanh tường. Bên trong Bưu điện cũng không tránh khỏi, tấm trần hư hỏng, quả Càn Khôn bụi bám làm mờ đi bao vì tinh tú. Trên Hiệp Thiên đài, Bạch Ngọc chung đã vỡ.... Bên ngoài chỉ có một số cây con mới lớn chừng 2, 3 năm, quanh những dãy nhà hoang phế bụi bặm. Bất chợt những ý thơ vụt đến:

Trên môi con có chút gì mặn mặn 

Ôi nhà Cha “thềm hoang lạnh” vắng ! 

Rồi mai dây con về xứ Quảng,

Chắc nhà Cha, ngày vẫn thầm lặng trôi qua. 

Chuyện đã được kể rằng, năm 72 ấy có tới 8 quả cối dội vào đây, bom nổ lung tung chung quanh, tất cả dân làng đều kéo về đây trú ẩn. Tuy 8 quả cối ấy rớt trong khuôn viên, nhưng chỉ có một quả trúng sạt một góc Hiệp Thiên đài, làm vỡ cái chuông ấy. Chuyện kỳ lạ là chẳng ai u đầu sứt trán.

Với phương ngữ bình dị, bác ấy nói: “Bọn mày sau này sẽ đứng giữa làm việc còn bọn tao chỉ đứng ngoài hành lang thôi”. Phải chăng đó là ước vọng ở tuổi trẻ, ở tương lai?

Lướt qua trên bức tường những dòng chữ: Vạn pháp quy tông - Từ bi, Bác ái, Công Bình- Vạn giáo nhất lý, tôi cố tìm tấm biển Hội thánh Truyền giáo tặng nhân lễ Khánh thành năm xưa. Và giờ đây, bốn chữ NHẤT THỊ ĐỒNG NHÂN trên tấm biển đã rách cũ đi nhiều.

Ra khỏi Hội thánh, tôi còn cảm thấy vui vui trong hai chữ chức sắc, mà Bác ấy đã nói lái là “chắc sức”...

Đặc sản của Tam Quan là dừa, đâu đâu cũng là dừa, người ta nấu dầu dừa, làm bánh tráng dừa... mùi dừa thơm lừng đường đi. Trong không khí thơm ngọt ấy, ta cảm nhận được thoáng yên bình, nhưng vẫn không sao xóa hết được trong lòng những vết đau của chiến tranh, của một thời bom đạn... Ôi “gia tài của Mẹ” Việt Nam đã để lại cho con!

Chúng tôi trở về ngôi nhà nhỏ khang trang của cô Sáu. Khuya rồi mà chúng tôi vẫn không ngủ được. Con cô Sáu tên là Hồng Hạnh, cùng chúng tôi trò chuyện. Năm anh em khẽ hát cho Hồng Hạnh nghe những bài Đạo ca. Tiếng hát chắc không hay nhưng hẳn là đã để lại trong lòng cô gái Tam Quan những ý Đạo đơn sơ sâu lắng. Tôi đã thấy điều ấy trong mắt Hồng Hạnh.

“Về đây dâng đức tin lên ngôi Thầy

Tình thương anh em sẽ làm vui đẹp thay”.

Những câu hát đã đi vào sổ tay của Hồng Hạnh một cách trang trọng, bên cạnh những câu thơ dí dỏm vui vui:

Tam quan lắm ổi nhiều dừa

Vào Tam Quan phải chích ngừa 4 không!

Chẳng là đang có dịch “4 không” hoành hành ở Tam Quan.

Ngày 24.6. ÂL

...Chuông chùa sáng sớm ngân nga, chúng tôi choàng tỉnh dậy, cái không khí là lạ của quê người đã không cho chúng tôi mê ngủ. Đến lúc lên đường rồi, chúng tôi giã biệt ra đi.

Bến xe Tam Quan như mọi bến xe, đông ngặt những người xếp hàng chờ đợi. Đến lượt chúng tôi xe hết. Thế là đành chờ đợi. Từng giờ trôi qua, 6g rồi 7...8...9g, năm anh em ngồi lại và phân vân không biết có nên đổi tuyến đi Quy Nhơn thay vì Phù Cát không? Chúng tôi cầu nguyện và trong tay cuốn Thánh Kinh chuẩn bị sẵn. Đây là lời Chúa phán: “Các ngươi đem gươm gậy bắt ta như bắt trộm cướp ư? Ta hằng ngày ngồi trong đền thờ dạy dỗ các ngươi mà các ngươi không bắt ta. Nhưng mọi điều này xảy đến để kinh văn của các Tiên tri được ứng nghiệm”. Như thế có nghĩa chuyện gì đến nó phải đến, tất cả nằm trong ý Thầy!

Đến trưa chúng tôi quyết định đi Quy Nhơn. Hồng Hạnh vẫn tận tình cùng chúng tôi. Cơm trưa Hồng Hạnh mang ra tận quán cơm quen của Hồng Hạnh, có cả những quả ổi to thật to. Mãi 1g30 mới có xe đi Quy Nhơn. Thời tiết thay đổi bất thường trên đoạn đường chúng tôi đi qua. Đang nắng gắt thế ở Tam Quan, chúng tôi đã gặp cơn mưa dữ dội trên đường. Mưa tạt qua khung cửa xe không kính chắn, làm ướt tấm lưng áo, thật khó chịu trong tình trạng nửa khô nửa ướt đó.

17g30 hôm đó, chúng tôi đến Thánh đường Bình Định, Cổng vào vẫn cứng ngắt! Những bước chân người làm động không gian, chim muông xao xác choàng mình bay vụt lên... Cảm giác đầu tiên của tôi nơi đây sao buồn quá, u tịch quá.

Vào trong rồi, mới thấy việc khiến cho chúng tôi chuyển đổi lịch trình như có ý vô hình từ trước. Bác Giáo Bình đang đau nặng, và thế là chắc chắn anh Phụng sẽ phải ở lại cho trọn nghĩa tình.

Đêm về khuya, năm chúng tôi lang thang khắp phố Quy Nhơn. Nào công viên Tình yêu, eo Nín thở, kia là mộ Hàn Mặc Tử, xa xa bên kia ngọn núi bức tượng Đức Thánh Trần Hưng Đạo chỉ nhận biết được trong đêm qua ngọn đèn chớp đỏ. Rồi một bóng Quang Trung quất roi oai hùng trên vó ngựa vẫn in đậm trong tôi với hình ảnh những con người nằm ngủ ven đường...

Đêm ấy chúng tôi ngủ nhờ những gia đình đạo hữu chung quanh. Thánh đường không thể nhận chúng tôi trú ngụ được!!!

Ngày 25.6.AL

3g kém, chỉ còn bốn chúng tôi ra ga Quy nhơn đáp tàu về Phù Cát. Trăng vẫn còn mờ nhạt sáng trên trời. Lòng tôi lành lạnh:

Nhà Cha không ngủ đặng một đêm

Những nghĩ suy xin rớt lại bên thềm

Ra đi trong đêm mờ sáng

Trăng mờ ái ngại, cảm buồn thêm.

Chuyến tàu thật kinh khủng bởi mùi hôi thối quái lạ, có lẽ sợ đến suốt đời, mà tôi phải chịu đựng suốt hành trình. Cuối cùng chúng tôi đã đến được Phù Cát.

10g30 chúng tôi ghé tạm nhà bác Khâm. Chúng tôi phải tức tốc đi Kim Quang Minh Đài bởi đường dài khoảng chừng 4 cây số, qua sông qua suối.

Xốc lại hành lý, chúng tôi băng bộ lên đường, anh Bửu mở “đài”, cả nhóm cùng hát theo: “Đoàn chúng tôi băng rừng xanh suối sâu qua nương đồi. Một sớm mai sương bình minh hãy còn vương trên cây. Ra đi hăng hái tiếng chim rừng đó đây…” Bài hát đã làm dịu cơn khát trên đường cát trắng lê thê. Chúng tôi tay xách dép, quần áo xắn cao, lội qua những mương, nước sâu rộng. Không có người dẫn đường, nhưng chóp Hiệp Thiên đài xa xa đã là người đưa đường chỉ lối. Chúng tôi hăm hở đi tới.

Trưa chang chang nắng, chúng tôi đến Kim Quang Minh Đài. CỬA MỞ, cái xanh tươi hy vọng tràn ngập đến xua tan đi bao mệt nhọc. Khi biết những “gã lang thang” từ đâu đến, bác Bảo Cơ quân thân mật đón chúng tôi. Trong buổi trưa ấy, thật diễm phúc được hầu chuyện cùng bác và thưởng thức ngay trái mít trong vườn. Cái gan da của bác làm ấm lòng chúng tôi và vị mít thơm ngon đặc biệt riêng của Phù Cát làm say lòng người.

Bác Bảo Cơ quân, quen gọi là Bảo Quân tên thật là Huỳnh Thanh, một trong những người đem mối đạo trong Nam về Trung. Một bậc hướng đạo trung kiên, đã là thành viên sáng lập Hưng Đạo Đoàn. Tôi biết bác qua cuốn “Đạo lý thanh minh” xuất bản trước 75 mà bác là tác giả, bây giờ gặp mặt, tuổi trẻ của tôi thật là sung sướng. Gặp chúng tôi bác thao thao trò chuyện, sức đã về già, hai má rung rung mỗi khi nói, như là đang muốn tuôn trào mọi cảm xúc dồn nén. Tiếng nói đổ dồn, đổ dồn tưởng chừng khí phách một thời trai trẻ đang tuôn về:

- Mày biết không? Tây Du ký đó không phải là chuyện viết chơi đâu. Tao nghĩ (há) Đường Tăng là Tôn giáo, đạo đức; mà Tôn Hành giả, Bát Giới (há), Sa Tăng (há), cả con ngựa nữa là Kinh tế, là Khoa học... Tôn giáo phải cần Kinh tế, Khoa học như Đường Tăng cần Tôn Hành giá, Bát Giới, Sa Tăng, con ngựa. Nhưng chính Đường Tăng độ vớt Tôn Hành giả, Bát Giới, Sa Tăng, con ngựa. Trong thế gian này Tôn giáo phải là cứu cánh của nhân loại...

Những tiếng “há” sau câu nói, những lối xưng hô mày tao là sự thân mật của vùng đất này. Bác nói không thấy mệt, nhưng chúng tôi phải tạm ngưng cho bác nghỉ.

Đây là lần đầu tiên trong suốt chuyến đi, chúng tôi thấy được những tình cảm chứa chan sâu đậm. Cửa vào rộng mở thật như câu viết trên cổng vào:

“Mở cửa Từ bi chào thiện khách

Vào nhà Đạo pháp gội hồng ân”.

Chúng tôi sang nhà tu nữ. Trên bàn thờ để di ảnh của ngài Bảo Thọ Thánh Nương. Tôi định tâm một ngày nào đó sẽ phải tìm hiểu và viết về tiểu sử Ngài, nhưng bây giờ thì thời gian không cho phép.

Chiều hôm đó anh Phụng lại đến kịp cùng chúng tôi. Thế là cả 5 lại đi đến nhà anh Thơ. Trời Phù Cát chiều hiu hiu gió, những ngọn dừa lung lay, những trái dừa nũng nịu. Miên man tôi nghĩ đến cây dừa con mọc lên từ quả dừa khô cứng. Cái mầm yếu đuối kia trước khi vươn lên thành một cây to lớn, đã trải qua sự phân rã của vỏ, xơ cứng chắc. Thân xác ta mai đây có là thế chăng, và linh hồn trôi dạt về đâu?...

Tối ấy, chúng tôi được ăn một bữa mì cuốn, thổ sản của xứ này. Thật là quê mùa, đúng hơn thật là Đà Nẵng, chúng tôi chẳng biết cách ăn ra sao cho đúng. Những câu chuyện vui, chuyện sử Đạo bên bàn ăn càng in đậm trong tôi những cảm tình khó nói.

Ăn xong, chúng tôi lại sang chỗ bác Bảo Quân. Câu chuyện với bác lại nỗ giòn giã. Bác nói nhiều lắm về tương lai Đạo, các anh lắng nghe, còn tôi đã không cưỡng lại cơn buồn ngủ đang ập đến. Và tôi đã không ít lần gật đầu trong bóng tối...

Ngày 26.6. ÂL

Sớm hôm sau, chúng tôi vội vã lên đường. Các cô đã giữ lại để điểm tâm rồi còn dúi vào tay chúng tôi nào mít, nào chuối. Chúng tôi quyến luyến từ biệt ra đi. Lần này lại cũng còn bốn người trở về, anh Cùng sẽ đi tiếp vào Sài gòn.

Con đường cũ hôm qua vẫn còn đó dấu chân chúng tôi, tôi xin tạm biệt tất cả nhé. Đang lan man, chợt có tiếng la của anh Tần:

- Thôi chết, mau lên kẻo không kịp. Tàu chạy rồi.

Tiếng còi tàu hú lên xa xa. Thế là vai xách, nách mang, tay túi tay dép, chúng tôi hè nhau chạy. Con đường cát và cái mệt dường như níu chặt chân, tôi cứ lẹt đẹt chạy theo sau. Túi mít, chuối cứ nặng trĩu cánh tay. Còn bao bánh tráng dừa như muốn bể vụn. Tôi để đại chồng bánh trên đầu, để khủy tay giữ cho cái túi trên vai tự do rớt xuống đó. Không còn thời giờ để xốc lại. Khổ sở quá, tôi lẩm bẩm, rồi lại thầm cầu nguyện cho kịp chuyến tàu, mà chân cứ bương tới.

Đường sắt kia rồi. Xe lửu đã chạy qua. May quá không phải chuyến tàu đi Đà Nẵng. Vừa mừng vừa mệt. Đầu tôi choáng váng, hơi thở dồn dập. Cái bụng thì bị cái lạnh của sáng sớm bắt phải “giải phóng” gấp. Chúng tôi lại băng vội đến nhà bác Khâm.

Thật tội, thật cảm động biết bao, cô nữ tu từ Kim Quang Minh Đài đã đạp xe đuổi theo để xem chúng tôi đi thế nào. Tôi còn nhớ như in lời cô nói:

- Bọn mày đi gì nhanh dzậy. Tao lấy cái cộ, cộ ra đây mà hổng kịp bọn mày.

Lại phải một buổi sáng chờ tàu. Trong phòng đợi của cái ga nhỏ bé, nhớp nhúa, cái mệt đã đưa chúng tôi vào giấc ngủ. Riêng tôi nhờ đêm qua chợp mắt sớm hơn nên tỉnh táo ngồi canh đồ. Không gì mệt bằng sự chờ đợi, nó làm con người trở nên bực dọc dễ cáu kỉnh. Tôi nghĩ tới nước ta, cứ cái cung cách làm ăn này, không chính xác, lề mề, thì làm sao giàu mạnh lên nỗi! Tại sao lại có chuyện này? Tôi không trả lời chính xác được, chỉ biết rằng trên khắp các ga mà tôi đã đi qua lũ lượt những đoàn người nằm dài chờ đợi, không kể dơ bẩn, trong mọi ngõ ngách. Khi có tiếng tàu lanh lảnh xa, thì tức tốc hàng trăm con người ùa cả lại, giành nhau chìa bàn tay vào ô nhỏ bán vé. Giờ đây tôi đang trong cảnh ngộ này và chúng tôi đã không mua được vé.

Trưa ấy tàu đến. Bốn chúng tôi tìm vội toa hàng, nơi không đông hành khách, vọt lên. Tàu rú còi chuyển bánh.

Xả người trên các bao gạo trong góc kẹt kín mít, chúng tôi cố tìm giấc ngủ.

“Dù rất xa nhưng đường đi phải tới...” anh Bửu khe khẽ hát, vừa đủ cho chúng tôi nghe. Cây Harmonica của anh Phụng lại hòa theo. Đôi mắt lim dim vì mệt, nhưng tôi vẫn nhận ra ở đầu kia, những đồng tiền hối lộ đang được mấy người đi buôn giúp cho anh thu thuế bằng cách kẹp bên dưới những cuốn vở... Thôi thì ngủ đi, mặc kệ sự đời vậy, có vậy cũng may cho chúng tôi không bị kiểm vé...

Ánh sáng hắt đến, trả chúng tôi về ánh sáng của buổi chiều hè. Tôi đứng ra ngoài luông cửa. Cây cối lướt qua, lướt qua. Phương trời xa mây trắng nhẹ trôi. Phải chăng nơi đó là Đà Nẵng quê tôi, mái nhà Trung Hưng yêu quý của tôi. Có đi xa mới thấy lòng mình yêu quê đến lạ. Chuyến đi tôi đã không gặp những bạn trẻ các nơi, vì chẳng có ai tụ tập lâu nay để nhà gặp. Một chút tự hào trào dâng cho Thanh Thiếu Niên Đà Nẵng của tôi.

Bỗng nhiên, tất cả tối sầm. A! lại vào hầm rồi. Tôi quờ quạng tìm về chỗ cũ. Lần này bóng tối bao phủ lâu hơn.

-“ Ca nguyện 2” đi Bửu. Anh Phụng lên tiếng.

“Từ trong tăm tối biết đâu bến bờ...”. Hình như cả 3 chúng tôi cùng hát, nhưng lại là bài Hát Tạ Ơn Thầy.

Sáng lại rồi. Tôi chú ý nhìn mọi người chung quanh. Họ nhìn chúng tôi tò mò:

Mấy ông này sao dzui quá hà! Cô gái buôn gạo mĩm cười nhận xét.

- Lát nữa ra ngoải, cô để gộ chúng tôi bốc cho đó!

Tất cả chúng tôi cùng cười ầm lên. Thật vui và hồn nhiên.

18g kém 5, tàu dừng lại ga Quảng Ngãi. Người ta bắt đầu đổi nhân viên kiểm soát. Chúng tôi vọt sang toa khác. Chuyển hết toa này sang toa nọ, cuối cùng vô tình chúng tôi dừng lại ở toa Trưởng tàu, mà không biết. Thế là an toàn. Tàu chạy. Màn đêm giăng lờ mờ trên khắp các làng quê. Chắc đêm này lại mất ngủ nữa rồi, tôi tự nhủ.

Gió mạnh quất vào tàu, cái lạnh quất vào mặt. Tôi cài kỷ lại cúc áo. Không ai nói lớn tiếng, mọi người dường như đang tìm giấc ngủ. Tàu lao vào đêm thăm thẳm, trí tưởng tượng phong phú, tính ưa phiêu lưu của tôi lại có dịp hoạt động. Tôi cố nhìn ra ngoài. Xa xa lờ mờ những ngọn đèn dầu trong nhà ai đó. Mọi vật im ắng, chỉ còn tiếng đánh nhịp của con tàu trên những thanh sắt dài. Tiếng dội của nó làm tim tôi nôn nao.

- Thăng Bình rồi! Tiếng ai đó nói. 

Tim tôi càng rộn ràng hơn.

Tàu dường như chạy chậm lại. Người ta thi nhau vất hàng xuống đường. Tiếng gọi nhau í ới. Những ánh đuốc dập dờn suốt hai bên đường sắt.

- Xuống Ấn, Bửu, Phụng! Anh Tần gọi.

Tôi xách với những hành lý lịch kịch, nhảy tụt xuống tàu. Đây là khối phố của tôi rồi. Tôi cứ nhắm hướng anh Tần để đi theo. Đã 0 giờ sáng, cái hăm hở về nhà làm tôi quên hết mệt nhọc.

Ngày mai, Chúa nhật, gặp lại bạn bè tôi sẽ nói gì đây?

Chuyến hành hương đã kết thúc. Cuộc đời sẽ là một hành trình dài, chúng ta coi chừng lỡ những chuyến tàu và đôi khi phải tập chạy để đuổi kịp những chuyến tàu ấy...

Viết xong tháng 8, 1979 

Hyyền An Tâm

(Bài đã đăng trong tập san Phụng sự 1, lưu hành nội bộ, dịp lễ Khai Đạo năm Mậu Dần - 1998 dưới bút danh Tri Ân).

0 Bình luận